The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Doanh nghiệp phải chủ động tận dụng cơ hội để vượt qua khó khăn

(eFinance Online) - Theo phản ánh của cử tri TP. Hồ Chí Minh, tình trạng nhiều doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, thu hẹp sản xuất dẫn đến năng lực cạnh tranh thấp; các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chưa đủ mạnh; chương trình tái cấu trúc nền kinh tế, đặc biệt là tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước diễn ra chậm.
Cử tri đề nghị Nhà nước cần có các chính sách ổn định, lâu dài, rõ ràng, minh bạch, tạo hành lang thông thoáng an toàn cho doanh nghiệp hoạt động như miễn thuế giá trị gia tăng cho hàng hóa tồn kho để giúp doanh nghiệp giảm giá bán, thu hồi vốn để tái sản xuất, kích thích doanh nghiệp đầu tư phát triển, giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là lao động ở nông thôn.
Giải đáp kiến nghị của cử tri TP. Hồ Chí Minh, Bộ Tài chính trả lời như sau: Thời gian vừa qua, căn cứ tình hình thực tế của kinh tế xã hội, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, trình Quốc hội ban hành nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và hộ gia đình, cá nhân kinh doanh để tháo gỡ khó khăn, ổn định và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, được áp dụng trong năm 2013, năm 2014 và các năm tiếp theo.
Cụ thể, trình Quốc hội thông qua Luật số 32/2013/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2014; trình Chính phủ ban hành Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 quy định chi tiết thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, trong đó: Điều chỉnh giảm mức thuế suất phổ thông từ mức 25% xuống mức 22% kể từ ngày 01/01/2014 và xuống mức 20% kể từ ngày 01/01/2016.
Riêng đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng được áp dụng thuế suất 20% kể từ ngày 01/7/2013. Mở rộng đối tượng doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thuế và điều chỉnh nâng mức độ miễn giảm, ưu đãi thuế, đặc biệt đối với hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp hoạt động tại các địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, các lĩnh vực cần thu hút đầu tư như:
+ Bổ sung vào diện được miễn thuế TNDN đối với: Thu nhập của HTX hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư, diêm nghiệp ở địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn hoặc ở địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; thu nhập của DN từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản ở địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; thu nhập từ hoạt động đánh bắt hải sản; thu nhập từ thực hiện nhiệm vụ nhà nước giao của các các quỹ tài chính nhà nước và quỹ khác của Nhà nước hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận; phần thu nhập không chia của cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo, y tế và lĩnh vực xã hội hóa khác để lại để đầu tư phát triển cơ sở đó theo quy định của luật chuyên ngành về lĩnh vực giáo dục – đào tạo, y tế và lĩnh vực xã hội hóa khác; phần thu nhập hình thành tài sản không chia của HTX được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật HTX...
+ Bổ sung vào diện ưu đãi thuế ở mức cao (thuế suất 10% trong 15 năm, miễn thuế tối đa 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong tối đa 9 năm tiếp theo) đối với: thu nhập của doanh nghiệp từ dự án đầu tư thuộc lĩnh vực công nghệ cao; lĩnh vực nông, lâm, ngư, diêm nghiệp; sản xuất vật liệu composit, các loại vật liệu xây dựng nhẹ, vật liệu quý hiếm; sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, năng lượng từ việc tiêu hủy chất thải; phát triển công nghệ sinh học; bảo vệ môi trường; thu nhập của doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định của Luật công nghệ cao; thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư có quy mô lớn, ảnh hưởng lớn tới KT-XH đáp ứng tiêu chí theo quy định của Chính phủ;
+ Bổ sung ưu đãi đối với đầu tư mở rộng (ĐTMR), theo đó trường hợp DN có dự án ĐTMR thuộc lĩnh vực, địa bàn ưu đãi thuế TNDN thì được hưởng ưu đãi thuế (thời gian miễn thuế, giảm thuế đối với thu nhập tăng thêm do ĐTMR bằng với thời gian miễn thuế, giảm thuế áp dụng đối với dự án đầu tư mới trên cùng địa bàn, lĩnh vực ưu đãi thuế TNDN)...
+ Bổ sung ưu đãi thuế đối với Khu công nghiệp (KCN), theo đó thu nhập của DN từ thực hiện dự án đầu tư mới tại KCN (trừ KCN thuộc địa bàn có điều kiện KT-XH thuận lợi) được miễn thuế 2 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo…
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã trình Quốc hội thông qua Luật số 31/2013/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng (GTGT) và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2014; trình Chính phủ ban hành Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, trong đó:
- Quy định về mức doanh thu để xác định hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh không chịu thuế GTGT từ 100 triệu đồng trở xuống.
- Quy định mức thuế suất thấp (5%) được áp dụng đối với hoạt động bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở (mức thuế suất trước ngày 01/01/2014 là 10%); giảm 50% mức thuế suất 10% thuế GTGT từ ngày 01/7/2013 đến ngày 30/6/2014 đối với bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở thương mại là căn hộ hoàn thiện có diện tích sàn dưới 70m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2.
Trình Quốc hội ban hành một số giải pháp thực hiện thu ngân sách nhà nước năm 2013, 2014, trong đó có giải pháp miễn thuế khoán (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân) và thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hộ, cá nhân kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho thuê đối với công nhân, người lao động, sinh viên, học sinh; hộ, cá nhân chăm sóc trông giữ trẻ; hộ, cá nhân, tổ chức cung ứng suất ăn ca cho công nhân, tại các Nghị quyết số 54/2013/QH13 của Quốc hội về điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước năm 2013 và Nghị quyết số 57/2013/QH13 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2014.
Triển khai thi hành các Nghị quyết của Quốc hội, Bộ Tài chính đã chủ trì nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn (Nghị định số 204/2013/NĐ-CP ngày 05/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Nghị quyết của Quốc hội về một số giải pháp thực hiện ngân sách nhà nước năm 2013, 2014 và Thông tư số 187/2013/TT-BTC ngày 05/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 204/2013/NĐ-CP ngày 05/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Nghị quyết của Quốc hội về một số giải pháp thực hiện ngân sách nhà nước năm 2013, 2014) để hướng dẫn thực hiện cụ thể.
Theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 02/01/2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2014, các chủ đầu tư dự án bất động sản được Nhà nước giao đất mà chưa nộp tiền sử dụng đất do có khó khăn về tài chính, chưa được gia hạn nộp tiền sử dụng đất và chưa bán được hàng thì được gia hạn nộp tiền sử dụng đất theo tiến độ thanh toán tiền bán hàng trong thời gian tối đa 24 tháng kể từ ngày phải nộp tiền sử dụng đất theo thông báo lần đầu của cơ quan thuế hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trên cơ sở khả năng cân đối ngân sách địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định thời gian được gia hạn tiền sử dụng đất cụ thể cho từng dự án sau khi báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp.
Tổ chức, triển khai các giải pháp nêu trên, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan thuế tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để thực hiện hiệu quả các giải pháp của Quốc hội, của Chính phủ.
Các giải pháp nêu trên đều đang trong quá trình triển khai thực hiện và cần có thời gian để xem xét, đánh giá tính hiệu quả trong thi hành, đưa chính sách vào cuộc sống. Để việc thực thi đạt hiệu quả cao ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước trong công tác xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện chính sách thì phụ thuộc phần lớn vào bản thân doanh nghiệp phải chủ động nắm bắt, tận dụng cơ hội để vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển.
(Kim Liên)