The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Doanh nghiệp: Cần tái khởi động khu vực kinh tế tư nhân

Khẳng định với DĐDN, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kêu gọi một chương trình hành động để tái khởi động khu vực kinh tế tư nhân – một trong những động lực sẽ làm nên sự năng động của nền kinh tế Việt Nam giai đoạn tới.

- Thưa ông, một năm nhìn lại, với góc nhìn của Chủ tịch VCCI, ông đánh giá thế nào về DN Việt Nam 2014?

Bức tranh DN Việt Nam đang sáng dần lên cùng với sự ổn định của kinh tế vĩ mô. Sức khỏe nhiều DN, nhất là các DN quy mô lớn đã dần hồi phục. Trong khảo sát với các DN lớn nhất Việt Nam, số DN bi quan vào tình hình kinh doanh của năm tới chỉ còn khoảng 7,1%; so với 9,1% cách đây một năm và 21,9% của năm 2012.

Nhìn vào tốc độ tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm 2014 cũng cho thấy, dòng tiền đang đổ vào sản xuất, kinh doanh. Có thể nói, sự hồi phục dần của nhiều DN cũng đã tạo nên sự bền vững hơn của kinh tế vĩ mô. Đây cũng là cơ sở để nhiều dự báo nói đến khả năng trở lại sự năng động của nền kinh tế Việt Nam.

Tương tự như sự thành công trong phát triển của Việt Nam nhiều năm qua, trong đó có việc đưa Việt Nam ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp, đều có sự đóng góp rất quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân. Năm 2000, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp 22,9% trong tổng vốn đầu tư, thì đến năm 2013, tỷ lệ này là 37,6%; tạo 76,7 % tổng số việc làm phi nông nghiệp.

Tuy nhiên, vị trí, vai trò của khu vực này trong nền kinh tế đang có nhiều thay đổi, nhất là khi sức khỏe của khu vực này yếu đi rất nhiều sau những tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, tình hình bất ổn kinh tế vĩ mô trong nước.

Những con số về DN đóng cửa vẫn tăng trong năm 2014 hay câu chuyện về khó khăn trong kết nối giữa khu vực DN tư nhân trong nước và nước ngoài là ví dụ điển hình cho những lo ngại tụt hậu trong cạnh tranh khi nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu vào năm 2015.

Năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam đang phụ thuộc rất lớn vào năng lực cạnh tranh, năng lực tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của cộng đồng DN, trong đó có tới trên 96% là DN nhỏ và vừa, nhưng chủ yếu là DN nhỏ và rất nhỏ.

Trên thực tế, Chính phủ đã có khá nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ khu vực DN nhỏ và vừa (DNNVV) như hỗ trợ về lãi suất, về thị trường, về thuế... Nhưng chúng ta phải nhìn thẳng vào thực tế là khó khăn hiện tại không chỉ là một nhóm DN trong một ngành nào, một khía cạnh nào trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Đa phần DN vẫn đang loay hoay với bài toán lớn lên...

- Thưa ông, tại sao chặng đường lớn lên của DN Việt Nam vẫn khó đến vậy?

Nhìn lại quá trình phát triển của cộng đồng DN Việt Nam có thể thấy, giai đoạn đầu những năm 2000, chúng ta quá chú trọng tập trung gia tăng số lượng DN mới. DN cũng chạy theo trào lưu này, phát triển rộng và nhanh, tận dụng cơ hội nhanh của thị trường trong nước khi cơ chế chính sách mở cửa, bỏ qua cơ hội tăng cường năng lực cạnh tranh. Điểm yếu này bộc lộ khi nền kinh tế hội nhập, bắt đầu từ việc tham gia WTO vào năm 2007. Nhiều DN đuối sức vì công nghệ cũ, khó cạnh tranh, không đủ tài sản thế chấp để tiếp cận các nguồn vốn, không đủ năng lực để tiếp cận các chuỗi giá trị... Nhưng cũng rất nhiều DN tìm được cơ hội của mình. Nhiều thương hiệu của các DN tư nhân đã lớn lên... Song, ở khía cạnh môi trường chính sách, môi trường kinh doanh, sự hậu thuẫn để DN nhỏ và vừa lớn lên đúng là còn thiếu.

Trong giai đoạn 2007-2012 lao động bình quân trong DN đã giảm từ 47 xuống tiếp còn 32 người. Năm 2012, lần đầu tiên quy mô vốn bình quân của DN giảm trong vòng 10 năm trở lại đây, quy mô vốn của DN ngoài nhà nước giảm 3,6%, từ mức 25 tỷ xuống 24 tỷ.

Đặc điểm này phổ biến ở tất cả các ngành quan trọng cho thấy rõ một xu hướng là các DN nhỏ trong nước khó lớn thành DN có quy mô vừa.

Ở đây, rõ ràng cần có một hệ thống chính sách đồng bộ để tạo động lực cho các DN lớn lên, cả về năng lực cạnh tranh, về quy mô...

Và điều quan trọng là thể chế tạo niềm tin trong kinh doanh, kích thích tinh thần kinh doanh của DN, người dân đã sa sút nhiều trong vài năm qua...

- Theo ông, vào thời điểm mà nền kinh tế Việt Nam sẽ hội nhập sâu hơn, rộng hơn với ASEAN, với Hàn Quốc, với Liên minh thuế quan Nga, Belarus và Kazhstan, EU và tới nữa là với các nền kinh tế của TPP..., chìa khóa của mở cánh cửa niềm tin của cộng đồng DN là gì?

Đó là môi trường kinh doanh. Những khảo sát của VCCI cho thấy, thanh tra, kiểm tra, chi phí ngoài luồng, chi phí tuân thủ... vẫn là những gánh nặng lớn với DN. Trong bối cảnh kinh doanh khó khăn, các chi phí này càng khiến DN mệt mỏi, thoái trí, mất niềm tin.

Chính vì vậy, nhanh chóng và quyết liệt nâng cao chất lượng điều hành, cải thiện thủ tục hành chính là cách nhanh nhất để DN lấy lại niềm tin, để môi trường kinh doanh hấp dẫn và cạnh tranh hơn một cách ít tốn kém nhất.

Kết quả của Nghị quyết 19/2014 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong năm 2014 cũng chứng tỏ điều này.

Tất nhiên, cải cách hành chính chỉ là một phần, quan trọng hơn là cải cách thể chế, ở đó sẽ phân bổ lại nguồn lực, công việc của nhà nước, thị trường một cách đúng quy luật của kinh tế thị trường.

Chúng ta đang cần thúc đẩy sự sáng tạo, đột phá trong kinh doanh. Mà như thế thì đôi khi cần sự mạo hiểm. Cần tránh hình sự hóa các mối quan hệ kinh tế để doanh nhân dám dấn thân, tạo cơ hội mới cho nền kinh tế. Chính vì vậy, chúng ta đang rất một chương trình tái khởi động phát triển khu vực KTTN với những giải pháp đồng bộ, thống nhất và mạnh mẽ để không chỉ nâng cao năng lực cạnh tranh của cả cộng đồng DN mà còn tạo cơ hội, động lực để DN lớn lên.

Một nền kinh tế vững mạnh không thể trông vào những DN nhỏ mà cần một khu vực DN có quy mô đủ lớn để có sức kết nối vào chuỗi sản xuất, phân phối toàn cầu...

- Trong kế hoạch hành động phát triển KTTN của VCCI nêu cần làm Luật hỗ trợ DNNVV, Luật này nên quy định gì?

Để xây dựng khuôn khổ chính sách cho Chính phủ Việt Nam thực hiện mục tiêu Phát triển khu vực tư nhân nhằm xây dựng. một nền kinh tế phát triển bền vững và từ chủ, chúng tôi đã đề xuất 6 nhóm hành động, trong đó nghiên cứu và xây dựng Luật hỗ trợ DNNVV.

Mục tiêu là để thống nhất khuôn khổ pháp lý về chính sách phát triển DNNVV. Sẽ không chỉ chú trọng tăng nhanh số lượng, quy mô mà tập trung hơn về cơ cấu hợp lý, chất lượng tăng trưởng bền vững, năng lực cạnh tranh thực chất của toàn bộ khu vực DN, tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị kinh doanh phi chính thức chuyển thành pháp nhân DN và trợ giúp các DN nhỏ và siêu nhỏ có tiềm năng phát triển thành DN vừa và lớn thông qua mở rộng thị trưởng, hỗ trợ các DNNVV tham gia vào chuỗi cung ứng. Cùng với luật này, chúng tôi cũng đề nghị Ban hành Nghị định về Công nghiệp hỗ trợ và nghiên cứu Ban hành Nghị định riêng về Hiệp hội DN. Chúng ta cần những giải pháp có tính đột phá ở một số ngành, sản phẩm trọng điểm để tạo điều kiện cho khu vực tư nhân, tập trung đầu tư về mặt nguồn nhân lực, khoa học công nghệ và tài chính trong các chuỗi giá trị các sản phẩm ngành công nghiệp và nông nghiệp cũng như sự tham gia của khu vực DN FDI vào hoạt động này.

Song, tôi muốn nhắc đến hệ lụy của "quy mô nhỏ". Quy mô DN sẽ quyết định khả năng tận dụng được những lợi thế theo quy tắc "kinh tế quy mô". Tỷ lệ xuất khẩu của DNNVV trong tổng kim ngạch xuất khẩu luôn thấp hơn sơ với DN lớn.

Chính vì vậy, chúng ta cần khung khổ pháp lý hỗ trợ để DNNVV lớn lên.

Tôi muốn nhắc đến các câu hỏi đã được cộng đồng DN đặt ra với Chính phủ và với chính các DN trong Diễn đàn DN Việt Nam hồi đầu thàng 12/2014: Đó là DN Việt Nam phải làm gì để gia nhập và duy trì vị trí của mình trong chuỗi giá trị toàn cầu? Chính phủ có thể làm gì để hỗ trợ quá trình này, hỗ trợ khu vực tư nhân phát triển? DN hoạt động trong những lĩnh vực nào có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu?

Đề xuất tái khởi động khu vực kinh tế tư nhân có thể là những khởi thảo ban đầu cho việc tìm câu trả lời này. Tôi nghĩ rằng chúng ta cần kêu gọi cả sự sáng tạo và trách nhiệm của không chỉ các cơ quan Chính phủ mà cả DN trong hành động này. Chỉ khi đó, khu vực KTTN sẽ thực sự trở lại thời kỳ năng động nhưng với năng lực cạnh tranh lớn hơn, bền vững hơn...

- Xin cảm ơn ông!

Bảo Duy thực hiện

Theo Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam ngày 04/01/2015