The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Điện Biên: Vững tin một tương lai rực rỡ

Thời gian trôi nhanh thật, mới đó mà năm 2016 đã qua đi với những thành công và cả những ước mơ, kế hoạch, dự định còn dang dở... Điểm lại những thành tựu mọi mặt trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, văn hoá - giáo dục, an ninh - quốc phòng... chúng ta thêm niềm phấn khởi, sự tự tin vào những nỗ lực nhiều mặt của địa phương, cơ quan, ban ngành, đơn vị...; để sang năm mới 2017 ta bước những bước vững vàng hơn, hiệu quả hơn và đương nhiên sẽ chinh phục những thử thách lớn hơn với tầm vươn cao hơn...

Trước hết, xin được nhắc lại một sự kiện chính trị quan trọng như chúng ta đều biết: Cữ này năm trước, khắp nơi trong tỉnh rộn ràng chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Thời gian trôi đi, năm 2016, nỗ lực thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Để có được điều đó, UBND tỉnh đã ban hành quyết định về chủ trương đầu tư và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 11 dự án bao gồm các lĩnh vực: Sản xuất vật liệu xây dựng, chăn nuôi, nhà ở, thương mại... với tổng số vốn đăng ký trên 1.699 tỷ đồng, góp phần nâng số dự án đầu tư đang triển khai trên địa bàn tỉnh lên con số 115 với trên 17.000 tỷ đồng vốn đăng ký. Theo một dự ước lạc quan, đến hết tháng 12/2016, toàn tỉnh tiếp tục thực hiện đăng ký thành lập mới cho 90 doanh nghiệp với số vốn khoảng 680 tỷ đồng; chuyển đổi loại hình kinh doanh và thay đổi, bổ sung cho hơn 210 doanh nghiệp; 20 chi nhánh và 3 văn phòng đại diện được cấp giấy chứng nhận hoạt động...

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen
cho các cá nhân có thành tích trong thực hiện Dự án Di dân, Tái định cư Thủy điện Sơn La.

Đương nhiên, đấy là những dấu mốc quan trọng, chứng minh cho một chân lý giản dị việc chúng ta đã chọn hướng đi đúng, trên cơ sở những khó khăn, thuận lợi cả khách quan lẫn chủ quan. Cuối năm ngoái, trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chủ trương, chỉ số PCI của tỉnh đạt 56,48 điểm (tăng 6,14 điểm so với năm 2014), xếp ở vị trí thứ 53/63 tỉnh, thành (tăng 10 bậc so với năm 2014); về những tác động của cải cách trong lĩnh vực kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư và năng lực điều hành của chính quyền cấp tỉnh. Nhìn xa hơn sau mấy chục năm vượt khó với nhiều biện pháp đồng bộ và cụ thể, chúng ta đã giải xong “bài toán” phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và giờ đang sắp bước qua ngưỡng hoàn thành nhiệm vụ phổ cập trung học cơ sở trên địa bàn toàn tỉnh. Nỗ lực đó góp phần tạo nên những bước phát triển mới, môi trường mới, đem lại những thuận lợi cho quá trình xây dựng nền kinh tế - văn hóa - xã hội tỉnh nhà. Để đưa Điện Biên sớm thoát khỏi tình trạng một tỉnh nghèo, chúng ta chủ động khai thác tiềm năng nội lực, kết hợp với tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác phát triển với bên ngoài, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn. Đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp, thuỷ sản, dịch vụ - du lịch, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội đạt tốc độ phát triển cao, hiệu quả, bền vững; tích cực xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Nông dân xã Thanh Xương, huyện Điện Biên thu hoạch lúa. Ảnh: B.A

Gần một năm rưỡi sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, một không khí công tác, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại diễn ra ở mọi nơi, mọi cấp, mọi ngành và mọi người. Bằng những giải pháp thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế, đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Được sự quan tâm của Đảng và Chính phủ, sự giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương, sự quyết tâm trong chỉ đạo và phối hợp chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND và UBND tỉnh, chúng ta đã và đang tạo ra thế và lực mới, khai thác triệt để tiềm năng, tranh thủ tối đa nguồn vốn, rút ngắn dần khoảng cách kinh tế - văn hoá - xã hội so với các tỉnh miền xuôi. Vào thời điểm này, theo Báo cáo số 311/BC-UBND ngày 02/12/2016 của UBND tỉnh, về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2016 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2017, cho thấy năm 2016 dự ước tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh GRDP (giá sản xuất) theo giá so sánh năm 2010 đạt 9.223,2 tỷ đồng, tăng 6,83% so với thực hiện năm 2015, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra. Trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,56%; công nghiệp - xây dựng tăng 6,07%; dịch vụ tăng 8,64%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng xác định, trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 23,77%, giảm 1,08%; công nghiệp - xây dựng chiếm 25,29%, tăng 0,03%; dịch vụ chiếm 48,48%, tăng 1,04% (so với năm 2015). Thu nhập bình quân đầu người (theo giá hiện hành) ước đạt 22,31 triệu đồng/người/năm, tăng 7,87% so với thực hiện năm 2015.

Trên đà thuận lợi chung, đó là việc Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách mới nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng, tạo điều kiện cho tỉnh trong việc thu hút và huy động các nguồn vốn đầu tư. Những năm gần đây, không chỉ các nhà quản lý và các nhà chuyên môn, mà hầu hết chúng ta ai cũng quen với các cụm từ đã trở thành thông dụng hàng ngày: Chương trình 135, Chương trình 159, Đề án 79... rồi thì nguồn vốn này nguồn vốn nọ, dự án kia dự án khác... Đi cùng với đó là tổng nguồn vốn cho đầu tư phát triển các chương trình, dự án trọng điểm về giao thông, thủy lợi, giáo dục, trồng rừng..., đặc biệt là chương trình di dân tái định cư Thủy điện Sơn La, chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững tại các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Thủ tướng Chính phủ được chỉ đạo thực hiện quyết liệt. Nhiều công trình hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng có hiệu quả, đã cơ bản hoàn thành việc hỗ trợ xây dựng nhà ở cho các hộ nghèo. Ngay tại thung lũng Mường Thanh, chương trình xây dựng nông thôn mới xã Thanh Chăn đã trở thành tấm gương cho các xã, phường, thị trấn khác học tập.

Năm 2017, tỉnh ta tiếp tục triển khai nhiều chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi đại gia súc, phấn đấu đàn trâu, bò tăng 3%. Ảnh: V.T

Trong số các hoạt động nhộn nhịp trên nhiều phương diện của năm qua, những tiến bộ không thể không đề cập đó là lĩnh vực khai thác khoáng sản, công nghiệp chế biến, sản xuất điện năng... đều có mức tăng trưởng khả quan. Tất yếu các khoản thu đều đạt con số cao hơn nhiều so với chỉ tiêu mà Hội đồng Nhân dân tỉnh giao. Có thể nói chưa khi nào hoạt động kinh tế - văn hoá - xã hội ở tỉnh ta lại diễn ra đa dạng và sôi động như thời kỳ này. Các tuyến đường đã và đang mở, các nhà máy thuỷ điện đã và đang hoàn thành; các công trình y tế - giáo dục - văn hoá - nông nghiệp - thương mại - du lịch... kết thành một mạng lưới phục vụ đắc lực đời sống dân sinh. Theo Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII, năm 2016 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo tiền để hoàn thành kế hoạch 5 năm (2015-2020).

Sau tròn 30 năm đổi mới, mùa xuân Đinh Dậu (2017) này Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Điện Biên đang đứng trước những thời cơ cả về tiềm năng nội lực và xu thế hội nhập, cả về ý chí tự thân lẫn những tác động ngoại cảnh. Trong niềm vui chung, chúng ta càng vững tin về một tương lai rực rỡ trên cơ sở kế thừa và sáng tạo không ngừng, từ những thành quả to lớn và nhiều mặt mà chúng ta đạt được trong năm 2016 vừa qua...

Hồng Kỳ