The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Điện Biên: Một lòng vì Doanh nghiệp

Năm 2015 Chỉ số PCI của Điện Biên tăng 10 bậc, vượt lên đứng ở vị trí 53/63 so với năm 2014. Tuy vậy, trước bối cảnh 63/63 tỉnh thành đều nỗ lực, quyết tâm cải thiện ngôi vị trong bảng xếp hạng PCI nhằm “hút” đầu tư thì những cải cách của Điện Biên vẫn cần cố gắng hơn nữa. Dẫu còn có những “nút thắt” song Điện Biên đã lắng nghe và coi doanh nghiệp, nhà đầu tư… là đối tượng phục vụ hướng tới môi trường đầu tư ngày một minh bạch, bình đẳng hơn.

Huyện Điện Biên có lợi thế so với các huyện khác trong việc thu hút nhà đầu tư, đó là mặt bằng đất rộng, gần trung tâm thành phố rất thuận lợi cho việc di chuyển. Huyện xác định việc thu hút nhà đầu tư tại địa bàn, sẽ góp phần chuyển đổi cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng lao động, tạo công ăn việc làm cho người dân, đóng góp ngân sách trên địa bàn. Do đó, huyện luôn tạo điều kiện thông thoáng để thu hút nhà đầu tư trên các lĩnh vực chính, như: trong nông nghiệp, huyện tập trung vào chế biến, chăn nuôi; trong công nghiệp thì tập trung phát triển chế biến vật liệu xây dựng. Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành hai khu kinh tế, đó là khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Tây Trang và khu kinh tế cửa khẩu quốc gia Thành Cúc. Hai cửa khẩu này tạo thuận lợi cho huyện giao thương với nước bạn nâng cao năng lực xuất nhập khẩu. Là huyện nông nghiệp nên Điện Biên còn tập trung phát triển các lợi thế khi giao thương hàng hóa nông sản… Về cơ bản, từ lãnh đạo huyện tới tất cả các phòng ban luôn nhất quán ưu tiên và thu hút nhà đầu tư. Nếu đánh giá khách quan thì tất cả các huyện trên địa bản tỉnh, kể cả thành phố thì huyện Điện Biên hiện nay đã thu hút được nhiều nhà đầu tư nhất trên các lĩnh vực xây dựng cơ bản, sản xuất cũng như chế biến gạo và nông sản…

Trong việc thực hiện đề án nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, huyện Điện Biên xác định sẽ thực hiện tốt các chỉ tiêu sau, đó là: thực hiện tốt công tác cải cách hành chính để rút ngắn thời gian của doanh nghiệp, người dân nhằm tập trung nâng cao chất lượng phục vụ tại các phòng ban liên quan, như văn phòng đăng ký sử dụng đất, tài nguyên môi trường, phòng tài chính kế hoạch, kinh tế hạ tầng, nông nghiệp phát triển nông thôn,… Hàng năm, huyện Điện Biên thường có đánh giá những việc còn tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện đề án một cửa liên thông.

Trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng GDP của toàn tỉnh giảm, song tốc độ tăng trưởng bình quân ngành Nông nghiệp và PTNT vẫn duy trì ở mức tương đối ổn định, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng liên tục qua các năm, đến năm 2015 đạt trên 700 tỷ đồng… Đặc biệt, sản phẩm gạo đã được xây dựng chỉ dẫn địa lý “Điện Biên”; trong đó gạo Bắc thơm số 7 đã trở thành sản phẩm hàng hóa được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, đem lại giá trị kinh tế gần gấp đôi so với một số loại gạo thông thường khác. Trong sản xuất lương thực, ngành Nông nghiệp và PTNT đã tích cực chỉ đạo, ứng dụng chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, làm tốt công tác thủy lợi, tích cự nghiên cứu, khảo nghiệm đưa giống chất lượng cao vào sản xuất. Với chính sách ưu đãi khuyến khích đầu tư, những năm qua, khu vực sản xuất nông, lâm nghiệp đã thu hút được sự tham gia của các doanh nghiệp, đầu tư phát triển các loại cây công nghiệp dài ngày như cà phê, cao su góp phần thực hiện chủ trương chuyển đổi một số diện tích gieo trồng lúa nương năng suất thấp sang trồng cây công nghiệp. Sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh đã chuyển dịch từ độc canh cây lúa sang trồng màu, cây công nghiệp ngắn ngày, dài ngày theo hướng bền vững sản xuất hàng hóa, xuất khẩu..

Tỉnh còn khai thác hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho phát triển, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, xây dựng các nhà máy chế biến, tiêu thụ các sản phẩm trên địa bàn. Phát triển sản xuất gắn với chương trình mục tiêu về xây dựng nông thôn mới, đặc biệt chú trọng đến các xã điểm của tỉnh nhằm từng bước phát triển nông nghiệp nông thôn toàn diện, bền vững…

Trong những năm qua, thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh cũng như của Bộ Tài Chính, Sở có nhiều chuyển biến tích cực trong công tác cải cách thủ tục hành chính, áp dụng cơ chế một cửa, một cửa liên thông đặc biệt là việc quản lý điều hành thông qua hồ sơ công việc bằng hệ thống phần mềm đã được Sở nâng cấp. Cuối năm 2015 sở triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Bộ phận một cửa tiếp nhận và thực hiện giao nhận hồ sơ. Hồ sơ sau khi kiểm tra thiếu gì thì phải trả lời cho phía chủ đầu tư luôn và yêu cầu bổ sung, tránh tình trạng “đá” văn bản đi, “đá” văn bản lại, khi gần hết hạn, cán bộ hành chính mới trả lời doanh nghiệp thiếu văn bản này, thiếu văn bản kia. Điều này Sở tuyệt đối cấm. Chúng tôi yêu cầu khi cán bộ nhận hồ sơ trong vòng ngày hôm đó phải trả lời nhà đầu tư luôn là văn bản ấy đã đủ chưa? Nếu đủ rồi thì ký nhận với chủ đầu tư. Ngoài ra, Sở yêu cầu làm việc trực tiếp với chủ đầu tư không làm việc trực tiếp với doanh nghiệp, bởi doanh nghiệp làm việc với chủ đầu tư chứ không làm việc với Sở. Điều này Sở quán triệt với từng cán bộ. Định kỳ hàng tháng Sở tổ chức giao ban giữa Giám đốc với các Phó Giám đốc phụ trách các lĩnh vực từng phòng và làm việc với từng phòng khi có bất cứ thông tin gì bên ngoài phản ánh. Giám đốc sẽ làm việc trực tiếp với phòng liên quan, yêu cầu người phụ trách phải báo cáo rõ nội dung vấn đề đó. Đặc biệt, có bất cứ doanh nghiệp nào gọi điện phản ánh bức xúc gì thì cán bộ chuyên viên phải chịu trách nhiệm chưa cần biết đúng sai. Chính vì vậy tôi khẳng định không có vấn đề nhũng nhiễu doanh nghiệp, nhà đầu tư. Giám đốc Sở mở máy 24/24, hồ sơ doanh nghiệp đi đến đâu Giám đốc biết và kiểm soát được. Cứ văn bản của chuyên viên bộ phận nào báo đỏ là Giám đốc biết ngay.

Điện Biên là tỉnh đặc biệt khó khăn, chúng tôi tập trung tuyên truyền hỗ trợ cho doanh nghiệp thực hiện tốt chính sách pháp luật thuế. Nếu doanh nghiệp thành lập ở vùng đặc biệt khó khăn của Điện Biên sẽ được ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp. Chúng tôi đã tập trung tuyên truyền cho doanh nghiệp mới thành lập, khi doanh nghiệp đến bộ phận một cửa làm thủ tục đăng ký thuế được cơ quan thuế tuyên truyền những chính sách ưu đãi doanh nghiệp được hưởng bằng văn bản, trực tiếp và bằng email. Ví dụ như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 5 năm kể từ khi có thu nhập, hoặc giảm 50% những năm tiếp theo. Ngoài ra, liên quan đến đất đai, chúng tôi cũng căn cứ vào chức năng nhiệm vụ phối hợp với các ngành liên quan như Sở tài nguyên và môi trường thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai nhanh, đảm bảo đúng thời gian. Nếu doanh nghiệp có giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư được miễn tiền thuê đất trong thời gian thuê đất. Đáp ứng về ngành nghề ưu đãi, hoặc địa bàn chắc chắn sẽ được hưởng ưu đãi từ 4 – 11 năm. Nếu đáp ứng được ngành nghề ưu đãi đầu tư hoặc đặc biệt ưu đãi đầu tư thì có thể miễn 15 năm hoặc hết cả thời gian dự án đó thuê. Trong quá trình quản lý chúng tôi sẽ hỗ trợ doanh nghiệp nắm được nội dung này.

Bên cạnh đó, chúng tôi thực hiện cơ chế một cửa. Tuy nhiên, hiện nay chỉ một số huyện tập trung dân số đông mới triển khai bộ phận một cửa, còn những vùng sâu vùng xa chưa có bộ phận một cửa tại UBND thì cơ quan thuế bố trí bộ phận một cửa để giải quyết thủ tục hành chính tại Chi cục cơ quan thuế. Những huyện cơ quan thuế có tham gia bộ phận một cửa nhưng vẫn có bộ phận một cửa ở cơ quan thuế để tiếp nhận hồ sơ và giải quyết hồ sơ cho doanh nghiệp. Bộ phận một cửa có biên chế cán bộ có trình độ, năng lực giải quyết tuyên truyền hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính, giải đáp các vướng mắc trực tiếp cho doanh nghiệp.

Điện Biên với trên 60% nguồn thu ngân sách từ doanh nghiệp. Xác định lấy doanh nghiệp làm trọng tâm phát triển kinh tế thì cần phải có cơ chế đối với miền núi, có chính sách đặc thù, tạo thuận lợi thông thoáng, bình đẳng, minh bạch thì doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh có cơ hội vào đầu tư tại Điện Biên. Bên cạnh đó, những dự án kêu gọi đầu tư phải mang tính khả thi, ngắn hạn, mang tính hiệu quả chứ không mang tính trung dài hạn. Vừa qua tỉnh tổ chức hội nghị doanh nghiệp rất hay, qua đó doanh nghiệp có thể có ý kiến tạo sự đồng thuận giữa chính quyền và doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong thời gian tới tỉnh tổ chức dạng như hội nghị gặp mặt xúc tiến đầu tư giới thiệu những dự án kêu gọi đầu tư trên cơ sở đó các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh sẽ nắm bắt cơ hội đầu tư đồng thời sẽ đối thoại trực tiếp với lãnh đạo tỉnh. Nhưng để làm được điều này phải có văn bản chỉ đạo các sở ban ngành cùng vào cuộc. Nếu Bí thư nói, Chủ tịch nói nhưng khi xuống đến các sở ban ngành huyện… không quyết liệt thì khó mà thực hiện được. Những vấn đề chỉ đạo đối với các sở ban ngành phải có văn bản cái gì đó mang tính chất mạnh quyết liệt chế tài xử phạt rõ ràng. Những vấn đề doanh nghiệp các sở ban ngành phải quyết liệt thực hiện và tháo gỡ cho doanh nghiệp.

Tỉnh cần tạo sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp trên địa bàn, như cơ chế đấu thầu mời thầu, cơ chế về GPMB, đất sạch cho doanh nghiệp ra làm sao, cơ chế thuế như thế nào…? Vai trò của ngân hàng đầu tư cho doanh nghiệp thực hiện các dự án của địa phương cũng rất quan trọng, bởi doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh toàn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, tài sản đảm bảo rất ít, khả năng tài chính hạn hẹp. Nếu đủ tài sản để vay thực hiện dự án là rất khó. Như vậy, ngân hàng cho vay phải căn cứ vào những dự án thông báo quyết định hết sức khả thi như vốn năm nay là bao nhiêu, cùng với sự bảo lãnh của các chủ đầu tư cam kết bảo lãnh sau khi doanh nghiệp thực hiện dự án được chuyển về ngân hàng để ngân hàng thu hồi nợ.

Hội nghị xúc tiến đầu tư mới đây do tỉnh tổ chức có tới 300 doanh nghiệp tham dự, tuy nhiên chỉ có 5-6 ý kiến. Như vậy là quá ít bởi còn nhiều ý kiến của doanh nghiệp chưa được phản ánh đầy đủ. Do vậy, UBND tỉnh nên tổ chức mỗi năm 4 buổi gặp mặt.

Theo tôi những cuộc đối thoại như thế này nhằm giúp cho doanh nghiệp được tiếp cận các nguồn thông tin về tình hình kinh tế xã hội của địa phương, danh mục các dự án kêu gọi đầu tư về thị trường trong và ngoài nước, về xu hướng phát triển của các ngành và các sản phẩm và đặc biệt là các thủ tục hành chính liên quan,…

Theo đó, UBND tỉnh cùng các sở – ban – ngành nên tiếp tục khuyến khích doanh nghiệp phát triển như thực hiện tốt các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đặc biệt là công tác cải cách thủ tục hành chính tạo chính sách một cửa thông thoáng cho doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh

Tuy nhiên, chủ trương chính sách này khi đưa vào cuộc sống còn rất nhiều vướng mắc, đòi hỏi phải có sự sự đồng hành của doanh nghiệp và các cơ quan chính quyền của tỉnh. Nếu doanh nghiệp và các cơ quan này không vào cuộc thì rất khó để kinh tế địa phương cất cánh.Tôi đánh giá cao việc lãnh đạo tỉnh Điện Biên đã thiết lập đường dây nóng để doanh nghiệp có các ý kiến phản hồi kịp thời những khó khăn vướng mắc. Thực tế đời sống hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp phụ thuộc vào nhiều vấn đề khó khăn từ thực tiễn hoạt động..

Để nâng cao chỉ số PCI, theo tôi lãnh đạo UBND tỉnh nên tập trung vào các chỉ số đang ở mức thấp điểm như các chỉ số về tiếp cận đất đai, tính minh bạch, thiết chế pháp lý và chi phí không chính thức…

Với kinh nghiệm hơn 30 năm trong ngành vận tải, tôi thấy rằng cơ chế trong ngành vận tải nói chung chưa thực sự thuyết phục nhà đầu tư, trong đó phải kể đến việc quản lý tuyến, bến bãi, quản lý phương tiện, điều kiện kinh doanh,…

Tại tỉnh Điện Biên, ngành kinh doanh vận tải – ngành tương đối đặc thù, Công ty CP Vận tải ô tô tỉnh Điện Biên được coi như “con đẻ” của tỉnh, nên đã nhận được sự quan tâm của các sở – ban – ngành tại địa phương, như Sở Giao thông, Sở Kế hoạch & Đầu tư, cùng một số các cơ quan liên quan khác. Chúng tôi luôn coi thuận lợi này là những tài sản vô giá, từ đó doanh nghiệp thường xuyên làm tốt chức năng nhiệm vụ của mình trong các hoạt động liên quan tới sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội, an ninh, quốc phòng của tỉnh, như sẵn sàng huy động phương tiện tham gia các sự kiện cháy rừng Lào Cai, an ninh ở Mường Nhé…

Đối với Điện Biên- tỉnh có vị trí địa lý với nhiều tiềm năng về du lịch, tuy nhiên việc hình thành phương tiện (xe điện, xe buýt) để phục vụ cho các hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh hiện còn rất nhiều rào cản, vướng mắc về thủ tục hành chính gây khó khăn cho doanh nghiệp. Do đó, để phát triển được ngành giao thông, thiết nghĩ cần có sự chung tay vào cuộc của các Sở, Ban ngành chứ không phải của riêng ai.

Tôi tin tưởng, trong thời gian tới tỉnh Điện Biên sẽ có các chính sách chung về điều kiện kinh doanh vận tải, đặc biệt là chú trọng hạ tầng vận tải công cộng cho ngành du lịch tại địa phương, từng bước góp phần đưa ngành du lịch trở thành thế mạnh của tỉnh Điện Biên.

Đánh giá về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Điện Biên, tôi cho rằng việc PCI tỉnh Điện Biên năm 2015 tăng 10 bậc so với năm 2014 cũng chưa gọi là cao nếu so với những năm trước đây về sự tiến triển và đổi mới của chính quyền tỉnh. Đại diện cho khối DN, tôi cũng rất mong rằng các đồng chí lãnh đạo tỉnh Điện Biên điều hành sâu sát và quyết liệt hơn nữa để Điện Biên thực sự trở thành điểm sáng của các tỉnh Tây Bắc trước những lợi thế và điều kiện mà Điện Biên có được so với các tỉnh khác.

Bên cạnh đó, để tốc độ phát triển được duy trì tốt như hiện nay thì tỉnh Điện Biên cần đẩy mạnh việc thu hút đầu tư trong lĩnh vực du lịch – ngành còn nhiều tiềm năng; Vấn đề kinh tế cũng cần có sự rõ ràng và cụ thể hơn, bởi nếu chúng ta muốn có sự tăng trưởng tốt hơn nữa thì cần phải có sự đầu tư của xã hội và các thành phần kinh tế. Với một tỉnh miền núi nhiều khó khăn như Điện Biên thì đặc biệt cần xây dựng các chính sách ưu đãi và thu hút đầu tư tốt hơn nữa.

Tại Điện Biên, thủ tục hành chính thời gian qua đã có khởi sắc nhưng còn một số sở, ngành, cấp vẫn còn chậm, mong lãnh đạo tỉnh chỉ đạo quyết liệt hơn. Trong đó, vấn đề quy hoạch, cần có quy hoạch rõ ràng. Với các danh mục đã được lãnh đạo duyệt thì phải thực thi để doanh nghiệp không mất thời gian chờ đợi. Đơn cử như dự án Trung tâm thương mại theo quy hoạch đã được các cấp chức năng của tỉnh duyệt giải quyết thủ tục để doanh nghiệp tham gia đầu tư theo quy hoạch, nhưng đến nay vẫn vướng mắc chưa thể triển khai. Cần gắn trách nhiệm của các cơ quan quản lý với nhà đầu tư bởi thực tế có những dự án doanh nghiệp gửi văn bản nhiều lần nhưng không được trả lời cụ thể.

Điện Biên là tỉnh rất có lợi thế về du lịch, đây là điểm đến về các khu di tích lịch sử nổi tiếng. Tuy nhiên, hiện nay tỉnh còn hạn chế rất nhiều trong việc thu hút đầu tư vào phát triển du lịch tại Điện Biên. Muốn phát triển du lịch thì cảnh quan đường xá đi lại phải thuận lợi, có nhiều dịch vụ để thu hút khách du lịch. Chợ đầu mối phải có kho bảo quản, đầu tư nhà lạnh phục vụ quản lý rau sạch, thịt lợn sạch để khách du lịch đến còn muốn mua mang về được. Có rất nhiều doanh nghiệp muốn vào đầu tư, nhưng tỉnh cần tạo cơ chế chính sách thuận lợi trong việc giải phóng mặt bằng để tạo mặt bằng sạch cho nhà đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng phát triển các dịch vụ du lịch. Hiện nay nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng còn hạn chế phải phụ thuộc vào trung ương, tỉnh cần hỗ trợ cho doanh nghiệp nguồn vốn vay ưu đãi để thúc đẩy các nhà đầu tư phát triển, ưu đãi về thuế đất, tạo hành lang mở cửa cho doanh nghiệp và chú trọng việc gặp gỡ trực tiếp với các doanh nghiệp, nhà đầu tư để minh bạch, cho doanh nghiệp biết những cơ chế mở cửa của tỉnh để hút đầu tư.

Doanh nghiệp của tôi kinh doanh nhà hàng khách sạn, năm nào cũng bù lỗ để phục vụ khách du lịch và lãnh đạo trung ương đến công tác. Tôi rất muốn cải tạo khuôn viên cây xanh bên ngoài để tạo cảnh quan cho đô thị của tỉnh nhưng hiện chúng tôi đang vướng về thuế đất cho phần khuôn viên này. Vì vậy, tôi mong muốn lãnh đạo tỉnh có sự đồng thuận và chia sẻ với các nhà đầu tư tạo điều kiện về thuê đất để doanh nghiệp nâng cao việc thu hút du lịch cho tỉnh hơn nữa.

Tuy vậy, có thể nói trong thời gian qua, đặc biệt là 5 năm trở lại đây tỉnh Điện Biên thực sự đột phá. Để có được điều này, chúng ta phải ghi nhận nỗ lực của các cấp lãnh đạo – người đứng đầu tỉnh đã rất chi tiết, rõ ràng, quyết liệt và cũng hết sức nghiêm minh.

Để tạo đà và sớm đưa Điện Biên từng bước trở thành trung tâm kinh tế – xã hội của khu vực Tây Bắc, thiết nghĩ chính quyền cần thực hiện chính sách thông thoáng hơn về các thủ tục hành chính, từng bước tạo môi trường đầu tư hấp dẫn “hút” các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh.

Trên thực tế năm 2015, một số sở ngành trên địa bàn tỉnh đã tích cực triển khai và tổ chức cải cách thủ tục hành chính bằng các giải pháp điện tử hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục, giúp giảm tối đa thời gian cũng như giấy phép con cho nhiều doanh nghiệp,… tiêu biểu như sở Công Thương, Sở Lao động Thương binh Xã hội, giúp duy trì niềm tin cho doanh nghiệp và nhà đầu tư vào tỉnh nhà đặc biệt trên đà phát triển và hội nhập như hiện nay.

Công ty TNHH Đầu tư Thương mại & Dịch vụ Hoàng Anh là một trong những doanh nghiệp thành lập tại tỉnh Điện Biên, hoạt động chủ yếu trên các lĩnh vực khai thác, sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng, đầu tư bất động sản, dịch vụ vận tải,…

Tính đến thời điểm hiện tại, Công ty Hoàng Anh đã trình UBND tỉnh Điện Biên, được chấp thuận đầu tư một số dự án từ năm 2010, như dự án Đô thị Nam Thanh Trường, dự án nhà máy sản xuất gạch không nung tại khu vực cầu Pắc Nậm, huyện Điện Biên và Dự án gói kè chống sạt lở bờ sông Nậm Rốm (giai đoạn II),… nhưng đến nay đã hết tháng 5/2016 hầu hết các dự án đều chưa thực hiện được, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Với định hướng tiếp tục phát triển các lĩnh vực vốn là thế mạnh của Hoàng Anh, trong thời gian tới công ty mong muốn tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Khắc Lãng

Enternews