The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

ĐBSCL là gương mặt sáng giá trong thu hút đầu tư

Ông Lê Hùng Dũng, Phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam bộ đánh giá ĐBSCL đang là gương mặt sáng giá trong bảng đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn Doanh nghiệp vùng ĐBSCL ngày 13/7, ông Lê Hùng Dũng, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ kỳ vọng các doanh nghiệp vùng ĐBSCL sẽ mở ra sự hợp tác, liên kết chặt hơn nữa với các doanh nghiệp khu vực Đông Nam bộ và đặc biệt là với TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.

Tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong vùn ĐBSCL tương đối ổn định, tuy nhiên, quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu với các sự kiện quan trọng như Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), tình trạng biến đổi khí hậu xảy ra ở một số địa phương đã tác động mạnh mẽ đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Chính vì vậy, ông Dũng cũng có lý do khi kêu gọi các doanh nghiệp cần liên kết chặt chẽ hơn nữa để cùng nhau phát triển.

Theo ông Lê Hùng Dũng, ĐBSCL đang trở thành gương mặt xuất sắc hơn trong bảng đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Điểm nổi bật trong kết quả PCI năm 2015 là trong 13 tỉnh, thành thì có tới 6 tỉnh dẫn đầu bảng xếp hạng trong 7 chỉ số thành phần. Đặc biệt là tỉnh Đồng Tháp tiếp tục duy trì vị trí đầu bảng với hai chỉ số đó là chi phí thời gian và tính năng động, tiên phong của chính quyền tỉnh.

PGS,TS Trần Đình Thiên- Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, cho rằng qua phân tích chỉ số PCI của các tỉnh, dễ nhận thấy xu hướng chung là các tỉnh trong vùng ĐBSCL đều có những thay đổi tích cực, tuy nhiên kết quả đạt được là khá khác nhau.

Theo ông có hai nguyên nhân chính dẫn đến sự khác biệt này là: điều kiện nền tảng phát triển và sự xuất phát và yếu tố hệ thống thể chế, chính sách và bộ máy điều hành các tỉnh. Trong đó ông Thiên nhấn mạnh yếu tố chính sách đối với các doanh nghiệp. Chính nhờ sự định hướng xây dựng nhanh thể chế phát triển hiện đại, quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng “chính quyền phục vụ doanh nghiệp” đã làm nên thành công ở một tỉnh.

Thông qua diễn đàn, Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) cũng có những kiến nghị nhằm giải quyết những khó khăn, khúc mắc của các doanh nghiệp vùng ĐBSCL như: Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần rà soát lại mức lương tối thiểu vùng phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp. Bên cạnh các cơ quan quản lý nhà nước cần thể hiện tinh thần quyết liệt trong phòng chống tham nhũng, sách nhiễu và gây khó khăn cho doanh nghiệp. Đồng thời tăng cường vai trò và năng lực hoạt động của các hiệp hội ở ĐBSCL vì hầu hết các hiệp hội hiện nay đều gặp khó khăn về kinh phí hoạt động…

Phát biểu ý kiến tại diễn đàn, đại diện Công Mía đường Casuco cho biết ngành mía đường ĐBSCL nói riêng và ngành mía đường Việt Nam nói chung muốn tồn tại và cạnh tranh được trong thời kỳ hội nhập thì điều tiên quyết là “nông dân trồng mía phải cạnh tranh và sống được với cây mía”. Điều này bắt buộc các công ty mía đường phải chủ động liên kết với các công ty, nhà máy đường khác trong đầu tư - sản xuất mía; trong công nghệ chế biến và liên kết trong cả khâu tiêu thụ để có được sức mạnh tập trung, từ đó mới có thể tồn tại và cạnh tranh với sản phẩm đường của các nước khi hội nhập”.

Quang Vinh – Hồng Thắm

Gia Đình Việt Nam