The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Đăk Nông: Thu hẹp khoảng cách giữa chính sách và thực tế

Thực tế, thời gian qua, Đắk Nông đã ban hành không ít chính sách nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp (DN ), thế nhưng thực tế việc tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn chưa hiệu quả, nhiều DN thật sự ngày càng giảm lòng tin vào chính quyền. Để cải thiện chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh Đắk Nông, vấn đề tăng thêm lòng tin của DN vào chính quyền trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Về vấn đề có khoảng cách lớn giữa chính sách và thực tế, số liệu của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp có cảm nhận tích cực hơn về thái độ của chính quyền tỉnh, nếu như năm 2008 là 54% thì đến năm 2015, tỷ lệ này chỉ còn 32%.

Lý giải điều này, nhiều chuyên gia cho rằng, tỉnh thì điều hành chủ yếu bằng chính sách, văn bản, báo cáo còn doanh nghiệp lại có niềm tin hay không là ở hiệu quả của từng giao dịch, hoạt động cụ thể với chính quyền nhất là các thủ tục hành chính với từng cán bộ, công chức, viên chức. Việc thực thi của cán bộ, công chức, viên chức nhiều lúc chưa đúng với tinh thần của lãnh đạo tỉnh.

Nhận thức được điều này, với quyết tâm của UBND tỉnh thể hiện qua Kế hoạch 217a/KH-UBND, ngày 16/6/2016, Kế hoạch cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI tỉnh Đắk Nông hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020, các DN sẽ có được môi trường kinh doanh thuận lợi. Theo đó, khoảng cách giữa chính sách và thực tế sẽ bị thu hẹp, vị thế DN được nâng cao, trở thành đối tượng để nhà nước phục vụ.

Tuy nhiên, hầu hết DN đều mong muốn, UBND tỉnh và các cơ quan liên quan sớm đưa chủ trương này vào cuộc sống, với những giải pháp hiệu quả, nhất là việc giải quyết những nhu cầu bức thiết đã được VCCI nêu ra, còn đối với các DN của tỉnh chủ yếu là về vốn, hỗ trợ về thủ tục hành chính, lao động và đất đai.

Theo nhận xét của các DN, kế hoạch này đã bao quát được toàn bộ vấn đề của DN, cũng rất cụ thể, có thời hạn rõ ràng cho các công việc cần làm và phân công xuống từng cơ quan, đơn vị. Cam kết mạnh mẽ này của lãnh đạo tỉnh là động lực vững chắc, tạo niềm tin cho DN hoạt động và phát triển trong giai đoạn khó khăn, khi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cũng như Đắk Nông chưa đạt như kế hoạch.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Giám đốc Công ty TNHH Hồng Đức (Đắk R’lấp) có ngành nghề chính là kinh doanh hạt điều cho hay, kế hoạch ban hành trong thời điểm các DN gặp nhiều khó khăn nên sẽ thôi thúc nhiều DN đầu tư sản xuất, kinh doanh, cũng như cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh. Đặc biệt, các kế hoạch có nhiều hỗ trợ liên quan đến từng lĩnh vực cấp thiết của DN như đổi mới khoa học, công nghệ, đào tạo, tài chính, thủ tục đất đai, môi trường…

Hơn thế, vấn đề này đã được tỉnh phân công đầy đủ đến từng cơ quan, đơn vị giúp DN biết được ai phụ trách, sẽ phải làm việc với cơ quan nào. Đây cũng là công cụ để UBND tỉnh có thể soi chiếu đến từng sở, ngành, cả tập thể lãnh đạo UBND tỉnh và DN sẽ cùng giám sát hiệu quả thực thi của cơ quan nhà nước.

Đồng quan điểm này, ông Phan Vũ Điền Trung, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại Vũ Phi Long, chuyên tư vấn, thiết kế, sản xuất các mặt hàng nhôm kính (Gia Nghĩa) cho rằng, Kế hoạch 217a/KH-UBND đã thể hiện đầy đủ nguyện vọng của DN tư nhân, tập hợp lại những chính sách hỗ trợ DN trong suốt thời gian qua thành một hệ thống xuyên suốt, nhất quán hơn. Trước đây, nhiều nghị quyết, chỉ đạo về hỗ trợ DN đã được ban hành nhưng hiệu quả hành động vẫn chưa cao. Với sự quyết liệt của Chính phủ thời gian qua, ông hy vọng đây không phải là “bình mới, rượu cũ”.

Đồng chí Nguyễn Bốn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh:

“Tập thể lãnh đạo tỉnh đang nỗ lực hết sức để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho DN, do đó cần sự vận hành trôi chảy từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên, nơi nào, ở đâu, phát hiện ra tình trạng “trên bảo dưới không nghe” thì sẽ phải xử lý bằng các hình thức cụ thể.

Mỗi cán bộ, công chức hãy tự mình nâng cao tinh thần, trách nhiệm, chuyên môn nhằm hỗ trợ nhiều hơn nữa cho DN, để thực sự coi DN là đối tượng cần phục vụ, là động lực thúc đẩy sự phát triển của kinh tế, xã hội”.

Hồng Thoan