The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Đắk Lắk tiếp tục cải thiện thực chất Chỉ số PCI

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020 của Đắk Lắk đạt 63,22 điểm, xếp thứ hạng 35/63 tỉnh, thành trong cả nước, tăng 3 bậc so với năm 2019. Để cải thiện chỉ số PCI trong những năm tiếp theo, Đắk Lắk xác định tiếp tục nỗ lực "đồng hành, phục vụ" doanh nghiệp, triển khai hiệu quả và lan tỏa nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp (DN) và nhà đầu tư trong gia nhập thị trường.
Cổng thông tin điện tử đã có cuộc trao đổi với ông Đinh Xuân Hà - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư về một số giải pháp cụ thể để cải thiện chỉ số PCI.
Biên tập viên: Trong bối cảnh kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2020 đối mặt với khá nhiều khó khăn, thách thức nhưng chỉ số PCI của tỉnh vẫn tăng 3 bậc so với năm 2019. Để có được kết quả này, xin ông cho biết những nỗ lực của tỉnh trong năm vừa qua?
Theo báo cáo PCI năm 2020 vừa được VCCI Việt Nam công bố, Đắk Lắk được 63,22 điểm, xếp vị trí thứ 35/63 tỉnh thành; thuộc nhóm có chất lượng điều hành kinh tế trung bình. So với năm 2019, PCI của tỉnh giảm 1,59 điểm, nhưng thứ hạng được cải thiện 3 bậc, trở lại vị trí thứ 2 khu vực Tây Nguyên (sau Lâm Đồng, xếp thứ 23/63).
Đây là kết quả rất đáng ghi nhận, khẳng định niềm tin của doanh nghiệp (DN) về năng lực điều hành, nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh.
Trong năm 2020, cùng với các chính sách chung của Trung ương, Đắk Lắk đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đó là tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN trong đầu tư sản xuất kinh doanh, đặc biệt là trong các lĩnh vực như đất đai, xây dựng, thuế, đăng ký doanh nghiệp… Các chỉ số Chi phí thời gian, Chi phí gia nhập thị trường, Tiếp cận đất đai được cải thiện khá tốt so với năm 2019. Tỷ lệ DN được khảo sát cho biết không phải đi lại nhiều lần để hoàn tất thủ tục, không gặp khó khăn trong thực hiện thủ tục đất đai trong vòng 2 năm qua đều tăng.
Tỉnh kịp thời nắm bắt, hỗ trợ DN giải quyết khó khăn, vướng mắc, thông qua nhiều hình thức như: Hội nghị đối thoại doanh nghiệp; Ngày thứ Năm doanh nghiệp; Cà phê doanh nhân – doanh nghiệp; Dân hỏi – Thủ trưởng cơ quan hành chính trả lời. Các hoạt động này ngày càng đi vào thực chất, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần cải thiện đáng kể chỉ số Tính năng động của chính quyền. Có đến 82% DN được khảo sát cho rằng vướng mắc, khó khăn của DN được tháo gỡ kịp thời qua đối thoại DN (cao hơn rất nhiều so với năm 2019 là chỉ có 6%, đưa Đắk Lắk giữ vị trí thứ 6/63 đối với nội dung này); có 75% DN đồng ý với nhận định UBND tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề mới phát sinh (năm 2019 tỷ lệ này chỉ có 23%).
Bên cạnh đó, Đắk Lắk triển khai kịp thời các hoạt động hỗ trợ DN trong kết nối, gia nhập thị trường, tiêu thụ sản phẩm; chính sách hỗ trợ của Trung ương dành cho DN, đặc biệt là bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đồng thời, nỗ lực cắt giảm chi phí không chính thức, thông qua tăng cường kiểm soát tốt hơn hoạt động thanh kiểm tra; thực hiện nghiêm túc việc công khai, minh bạch thông tin theo quy định. Theo số liệu khảo sát PCI 2020, số ngày DN nhận được thông tin, văn bản sau khi đã đề nghị cung cấp đối với Đắk Lắk chỉ có 1 ngày, giữ vị trí số 1 trong cả nước (năm 2019 là 3 ngày). Có đến 55% DN cho rằng lãnh đạo tỉnh sẽ không bao che và sẽ nghiêm túc kỷ luật cán bộ nhũng nhiễu DN, cao gấp đôi so với năm 2019 (chỉ có 29%), đứng thứ 4 cả nước…
Biên tập viên: Báo cáo PCI có chỉ ra một số chỉ số thành phần có bước cải thiện đáng kể, đạt trên 7 điểm, ông có phân tích và đánh giá như thế nào về các chỉ số này, đâu là những chỉ số thành phần quan trọng tác động vào PCI của tỉnh?
Trong số 10 chỉ số thành phần, tỉnh có 3 chỉ số đạt trên 7 điểm gồm: (1) Chi phí gia nhập thị trường; (2) Chi phí thòi gian và (3) Thiết chế pháp lý. Trong đó, chỉ có chỉ số Thiết chế pháp lý là cải thiện tốt về mặt thứ hạng, 2 chỉ số còn lại mặc dù có cải thiện về điểm số nhưng thứ hạng cải thiện không đáng kể, vẫn đang ở nhóm cuối bảng xếp hạng.
Chỉ số Thiết chế pháp lý là một điểm sáng nổi bật của tỉnh trong năm vừa qua, phù hợp xu thế chung của cả nước khi Báo cáo PCI cũng đưa ra nhận định môi trường pháp lý bảo đảm quyền và lợi ích của doanh nghiệp, cũng như việc giải quyết tranh chấp qua Tòa án trong năm 2020 được đánh giá nhanh chóng, thuận lợi hơn. Đa số các nội dung của chỉ số Thiết chế pháp lý và ANTT của Đắk Lắk được đánh giá tốt hơn so với năm 2019, niềm tin của doanh nghiệp vào thể chế, môi trường pháp lý, tình hình ANTT của tỉnh được cải thiện rõ rệt.
Đối với 2 chỉ số Chi phí thời gian và Chi phí gia nhập thị trường: cùng với những nỗ lực về CCHC, tăng cường phối hợp giữa các cấp ngành nhằm rút ngắn thời gian gia nhập thị trường cho doanh nghiệp, Trung tâm phục vụ hành chính công từng bước đi vào hoạt động hiệu quả và các hoạt động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kịp thời đã góp phần cải thiện đáng kể hai chỉ số này. Tuy nhiên, xét về năng lực cạnh tranh, các chỉ số này chỉ dừng lại ở mức “vượt qua chính mình”, chưa cải thiện nhiều về mặt thứ hạng so với các tỉnh thành khác, vẫn đang ở nhóm cuối Bảng xếp hạng cả nước.
Mặc dù CCHC đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên tỷ lệ doanh nghiệp cho biết phải chờ hơn 1 tháng hoặc 3 tháng hoàn thành các thủ tục để chính thức đi vào hoạt động vẫn còn khá cao so với trung bình cả nước; tỷ lệ DN đăng ký kinh doanh qua phương thức trực tuyến, Trung tâm hành chính công, bưu điện còn chưa cao cũng ảnh hưởng đến kết quả PCI của tỉnh. Nguyên nhân chính do DN của tỉnh đa số có quy mô nhỏ, siêu nhỏ (chiếm hơn 98% tổng số DN), do đó việc tác động làm thay đổi thói quen của DN trong thực hiện các TTHC nói chung còn nhiều khó khăn, đa phần chọn phương thức nộp trực tiếp để được hướng dẫn; DN có quy mô siêu nhỏ, thường không có bộ phận pháp lý chuyên nghiệp nên trong việc thực hiện các thủ tục mặc dù được hướng dẫn nhưng đa phần còn khá lúng túng, dẫn đến thời gian thực hiện thủ tục thường bị kéo dài.
Biên tập viên: Trong các chỉ số thành phần, xin ông cho biết chỉ số nào còn yếu và cải thiện chậm? Đâu là nguyên nhân?
Trong số 10 chỉ số thành phần PCI, qua phân tích và theo dõi những năm qua, có một số chỉ số còn chậm cải thiện và đang ở nhóm thấp so với cả nước như: Chỉ số Chi phí không chính thức; Chỉ số Chi phí thời gian; Chỉ số Đào tạo lao động; chỉ số Tính minh bạch.
Theo phân tích của Sở, việc các chỉ số này chậm cải thiện do một số nguyên nhân khách quan và chủ quan như sau:
- Đối chỉ số Đào tạo lao động: chất lượng đào tạo lao động, các dịch vụ và chính sách liên quan đến lao động của tỉnh, đặc biệt là dịch vụ do tư nhân cung cấp tuy có cải thiện nhưng không đáng kể; chất lượng chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp. Mặc khác, DN tại tỉnh vẫn chưa thực sự quan tâm, dành chi phí cho việc đào tạo nâng cao chất lượng lao động của DN mình, nên tỷ lệ khảo sát đối với chỉ số này thường thấp (ví dụ: DN được khảo sát của tỉnh cho biết trung bình dành 7,93% chi phí dành cho đào tạo lao động, xếp thứ 62/63 cả nước; tỷ lệ trung bình cả nước là 10,25%).
- Đối với chỉ số Chi phí thời gian, Chi phí không chính thức: hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán dù được kiểm soát tốt hơn nhưng nhìn chung vẫn còn khá chồng chéo; vẫn được DN cho là gánh nặng; tỷ lệ DN phản ánh bị thanh, kiểm tra từ 5 cuộc trở lên trong năm có cải thiện nhưng không đáng kể, xếp thứ 34/63, thấp hơn năm 2019 (thứ 17/63). Bên cạnh đó, hệ thống pháp lý hiện nay vẫn còn phức tạp, chồng chéo, trong năm qua có nhiều Luật mới ban hành, trong khi DN của tỉnh đa phần có quy mô siêu nhỏ, khả năng nghiên cứu, tiếp cận quy định cũng có hạn chế nhất định, do đó một số tiêu chí đánh giá của chỉ số này không cao. Điều này cho thấy tỉnh cần phải có KH hỗ trợ pháp lý phù hợp hơn cho doanh nghiệp.
- Đối với Chỉ số Tính minh bạch: chỉ số này của tỉnh thường xuyên không ổn định trong những năm gần đây, trong khi năm 2019 cải thiện đến 28 bậc (xếp thứ 18/63) thì năm 2020 lại hạ 22 bậc (xếp thứ 40/63). Qua phân tích chi tiết tại Báo cáo PCI 2020, thì nguyên nhân chủ yếu đến từ phía Website tỉnh được đánh giá chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, Tỷ lệ DN được khảo sát truy cập vào website của tỉnh chỉ có 49%, trong khi năm 2019 tỷ lệ này là 91% (hạ từ vị trí thứ 5 xuống vị trí thứ 42/63); điểm số về độ mở và chất lượng trang web của tỉnh cũng chưa được đánh giá cao. Như vậy, cũng với sự phát triển của cuộc CMCN 4.0, nội dung và giao diện, độ mở của các Trang/Cổng thông tin của tỉnh và các Sở, ngành, địa phương cần phải liên tục đổi mới không ngừng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của DN.
Biên tập viên: Mặc dù tăng 3 bậc so với năm 2019, nhưng PCI của Đắk Lắk vẫn nằm trong nhóm trung bình. Để vươn lên ở nhóm khá, theo ông cần thực hiện những giải pháp căn cơ nào?
Mặc dù PCI năm 2020 của tỉnh được cải thiện 3 bậc về thứ hạng, xếp thứ 35 cả nước, trở lại vị trí thứ 2 khu vực Tây Nguyên, ở vị trí thứ 6 trong tổng số 32 địa phương thuộc nhóm có chất lượng điều hành kinh tế trung bình, nhưng điểm số PCI của tỉnh lại thấp hơn năm 2020 (giảm 1,59 điểm). Nguyên nhân chính do tình hình khó khăn chung trong năm vừa qua, PCI trung vị của năm 2020 thấp hơn so với năm 2019, điểm PCI của đa số các địa phương nhìn chung đều giảm so với chính mình của năm 2019. Năm 2019, chỉ có 14/63 địa phương thuộc nhóm có chất lượng điều hành trung bình và tương đối thấp, còn lại là thuộc nhóm khá trở lên; do điểm số giảm, năm 2020, đa phần lại thuộc nhóm trung bình và tương đối thấp, chỉ có một số ít địa phương thuộc nhóm khá trở lên.
Để tiếp tục cải thiện mạnh mẽ hơn nữa chỉ số PCI trong những năm tiếp theo, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất một số giải pháp như sau:
Nêu cao vai trò trách nhiệm, quyết liệt hơn nữa trong công tác chỉ đạo điều hành; tiếp tục tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm tồn tại, vướng mắc liên quan các dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp tiếp cận được các hồ sơ quy hoạch, địa điểm đầu tư cũng như hỗ trợ nhà đầu tư trong giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án.
Triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tại các Chương trình, Kế hoạch hành động của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 19, Nghị quyết số 02 và Nghị quyết số 35 của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; các nội dung hỗ trợ doanh nghiệp theo quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; lưu ý các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, hỗ trợ pháp lý, hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực cho doanh nghiệp; Đẩy mạnh kêu gọi đầu tư, xã hội hóa nhằm nâng cao chất lượng các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp như dịch vụ XTTM, dịch vụ tư vấn pháp luật, dịch vụ đào tạo nguồn nhân lực…
Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, tiếp tục đơn giản hóa, cải cách thủ tục hành chính, cải cách toàn diện công tác quản lý kiểm tra chuyên ngành và kết nối Cổng thông tin một cửa quốc gia; đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công lên mức độ 3,4; tổ chức tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp; Từng cấp, từng ngành chủ động xây dựng kế hoạch và thực hiện các giải pháp khắc phục các chỉ số còn thấp, đặc biệt là chỉ số Tính minh bạch, Chi phí thời gian, Đào tạo lao động và Chi phí không chính thức; nâng cao sự phối hợp giữa các cơ quan trong giải quyết TTHC; thường xuyên đổi mới, tăng độ mở của các Trang/Cổng thông tin điện tử của từng cấp ngành, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong khai thác và tiếp cận thông tin theo quy định.