The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Công tác cải cách hành chính của tỉnh Phú Thọ

Với những nỗ lực, quyết tâm của cấp ủy, chính quyền, những năm qua, tỉnh Phú Thọ được ghi nhận là một trong những tỉnh có “bước nhảy” vượt bậc trong công tác cải cách hành chính về các chỉ số năng lực cạnh tranh, hiệu quả quản trị và hành chính công...

Nâng cao chất lượng phục vụ khám chữa bệnh cho nhân dân

Nâng cao dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân, giảm thời gian làm các thủ tục khi thanh toán, điều trị là một trong những kết quả trong việc thực hiện đổi mới cải cách hành chính trong lĩnh vực y tế ở Phú Thọ, tạo sự hài lòng cho người dân.

Chia sẻ với đoàn công tác của Bắc Kạn trong chuyến tham quan, học tập của tỉnh Bắc Kạn tại Phú Thọ mới đây, ông Hà Kế San - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết: Trong quá trình thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính ở tỉnh Phú Thọ cũng có nhiều điểm thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn nhất là vấn đề tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước từ Trung ương đến địa phương còn cồng kềnh, các tổ chức bên trong của từng cơ quan đơn vị chưa có sự thống nhất giữa các địa phương trong cả nước và chưa cân đối giữa các ngành…

Tuy nhiên để đạt được kết quả bước đầu như ngày hôm nay là do tỉnh rất quyết liệt chỉ đạo sát sao, xuyên suốt, ban hành được hệ thống văn bản chỉ đạo, thực hiện cải cách hành chính đồng bộ và tương đối đầy đủ. Theo ông San tỉnh phải hết sức chủ động xây dựng bộ thủ tục hành chính cho từng lĩnh vực, công khai trên các hệ thống điện tử, website. Trong khi Trung ương chưa có văn bản hướng dẫn thì Phú Thọ đã triển khai công bố bảng chấm điểm cho các sở ngành việc thực hiện cải cách hành chính. Khi cơ chế một cửa, một cửa liên thông ban hành phải thường xuyên nắm bắt, chỉnh sửa, tháo gỡ vướng mắc kịp thời. Do sự trì trệ của bộ máy hành chính nhà nước từ lâu nên để tạo được sự chuyển biến UBND tỉnh rất quyết liệt thậm chí gay gắt trong chỉ đạo. Phải kiên trì làm dần từng bước không thể một sớm một chiều vì bản chất của việc công khai, thực hiện nghiêm cải cách hành chính là quyền lợi đằng sau đó. Cải cách hành chính phải quan tâm đến các đơn vị dịch vụ công.

Còn nhớ, năm 1996 sau khi chia tách từ tỉnh Vĩnh Phú, Vĩnh Phúc và Phú Thọ trở thành 02 tỉnh độc lập. Trong khi Vĩnh Phúc trở thành tỉnh công nghiệp phát triển với tốc độ cực nhanh thì Phú Thọ cùng thời điểm những năm sau đó chưa có chuyển biến rõ nét về mọi mặt. Năm 2012 chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Phú Thọ xếp thứ 40/63; Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) xếp thứ 35/63; Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) xếp thứ 23/63 tỉnh thành trong cả nước. Trước thực trạng đó Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Phú Thọ đã nhận ra những yếu kém, kìm hãm sự phát triển chính là do nền hành chính còn tồn tại nhiều bất cập. Khắc phục điểm yếu đó, tỉnh Phú Thọ đã xây dựng chương trình tổng thể cải cách hành chính cho cả giai đoạn 2011-2020. Từ đó đến nay đã đạt được nhiều kết quả, trong đó điểm nổi bật là các chỉ số hành chính đã được nâng lên rõ rệt. Cụ thể PCI xếp thứ 35/63; PAPI xếp thứ 3/63 và Par Index xếp thứ 7/63 tỉnh thành trong cả nước.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020, tỉnh Phú Thọ xác định “Thực hiện có hiệu quả khâu đột phá về cải cách hành chính, trong đó tập trung vào cải cách thủ tục hành chính và đổi mới phương pháp, lề lối làm việc, nâng cao trình độ chuyên môn đạo đức công vụ, tinh thần trách nhiệm trong công việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Nâng cao trách nhiệm, năng lực công tác chỉ đạo điều hành của bộ máy nhà nước; thực hiện tinh thần giảm biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức. Có các giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; thực hiện Quy chế đối thoại giữa người đứng đầu cấp uỷ chính quyền với nhân dân”.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Phú Thọ đã ban hành Nghị quyết chuyên đề thực hiện khâu đột phá về cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016- 2020. Cải cách hành chính được Phú Thọ xác định là 1 trong 4 khâu đột phá trong giai đoạn 2016- 2020 cùng với 3 khâu: Huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội then chốt, phát triển nguồn nhân lực, phát triển du lịch.

Giai đoạn 2011- 2015 chương trình cải cách hành chính của Phú Thọ đã đạt được kết quả tốt trên các mặt như: Cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính; xây dựng và nâng cao đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách tài chính công, hiện đại hoá hành chính. Đơn cử như hiện nay toàn tỉnh có 18/20 sở, ban, ngành (trừ Ban Dân tộc và Thanh tra tỉnh không có thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa); 13/13 UBND huyện, thành thị và 277/277 UBND xã, phường, thị trấn đã duy trì nề nếp việc thực hiện cơ chế một cửa để giải quyết các thủ tục hành chính cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp; 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, đơn vị giải quyết thông qua cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Duy trì 6 cơ quan, đơn vị thực hiện làm việc cả ngày thứ bảy gồm: Sở Xây dựng, Tư pháp, Giao thông vận tải, Công an, Cục thuế, Kho bạc. 02 đơn vị thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ; 33 xã phường thuộc thành phố, thị xã làm việc ½ ngày thứ bảy hàng tuần (buổi sáng) để giải quyết công việc cho tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp.

UBND tỉnh đã triển khai việc xác định danh mục vị trí việc làm và cơ cấu công chức, viên chức theo ngạch trong cơ quan, tổ chức của tỉnh; nâng cao chất lượng tuyển dụng công chức, viên chức; thực hiện thí điểm thi tuyển chức danh Trưởng phòng, Phó trưởng phòng thuộc cấp sở, UBND cấp huyện; Giám đốc, Phó Giám đốc và tương đương đơn vị sự nghiệp thuộc cấp sở.

UBND tỉnh đã giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính theo Nghị định 130/2005/NĐ-CP của Chính phủ cho 52/52 (100%) cơ quan quản lý nhà nước và 100% các đơn vị sự nghiệp công lập.

Toàn tỉnh đã có 27 sở, ban ngành, UBND huyện, thành, thị cài đặt, sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành phục vụ công tác; tỷ lệ văn bản gửi, nhận qua mạng đạt 40%; tỷ lệ cán bộ công chức thường xuyên trao đổi công việc qua mạng đạt 93%.

Cổng giao tiếp điện tử của tỉnh được duy trì và hoạt động ổn định, cung cấp đầy đủ các thông tin về chỉ đạo điều hành, thông tin kinh tế, xã hội của tỉnh đồng thời đăng tải 1.781 dịch vụ trực tuyến (100%) thủ tục hành chính đạt mức độ 2; 70 dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3; 96 dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4. Duy trì tốt việc ứng dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001-2008 cho 100% cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện.

Một số kinh nghiệm đổi mới cải cách thủ tục hành chính cũng được tỉnh Phú Thọ chia sẻ với đoàn công tác của tỉnh, đó là: Phải xây dựng hệ thống văn bản chi tiết, đồng bộ, xác định rõ cơ quan có thẩm quyền là đầu mối giải quyết công việc theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông để làm cơ sở cho các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị xây dựng và ban hành được quy chế hoạt động, phối hợp và quy trình giải quyết công việc, cơ chế giám sát nội bộ của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Kiện toàn đội ngũ công chức làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả; bố trí công chức giỏi về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có tư cách đạo đức, kỹ năng giao tiếp hành chính tốt.

Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan nhà nước trong việc tổ chức và duy trì hoạt động của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, tránh tình trạng công chức chuyên môn đổ lỗi cho lãnh đạo bận đi họp vắng, chưa có người ký duyệt, cơ quan đơn vị phải có chế độ phân công trực lãnh đạo để chỉ đạo điều hành, kiểm tra sát sao theo chương trình kế hoạch. Thường xuyên rà soát, đánh giá và thực hiện các quy định về đơn giản hoá thủ tục hành chính; kịp thời tham mưu với Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định công bố thủ tục hành chính khi có sự sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, huỷ bỏ hoặc ban hành mới theo các văn bản hướng dẫn cỉa Trung ương.

Tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt, phổ biến rộng rãi các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về cải cách hành chính để các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp hiểu nắm vững và làm theo đúng quy định, đồng thời giám sát hoạt động của quá trình giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước; niêm yết công khai các quy định về quy trình, thủ tục hồ sơ, phí lệ phí và thời gian tối đa phải giải quyết xong công việc cho tổ chức, công dân tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả.

Tăng cường đầu tư, lắp đặt trang thiết bị và ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, từng bước tăng tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến lên mức độ 3 và 4. Phải định kỳ tổ chức, thực hiện khảo sát sự hài lòng của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp về việc cung cấp dịch vụ hành chính công của các cơ quan hành chính. Thông qua khảo sát sẽ có những đánh giá một cách khách quan về chất lượng cung cấp dịch vụ, đồng thời tìm hiểu những ý kiến phản hồi của cá nhân, tổ chức, chỉ rõ những hạn chế khuyết điểm trong quá trình thực hiện một cách trung thực nhất, từ đó cấp có thẩm quyền sẽ nắm bắt được những yêu cầu, mong muốn của cá nhân, tổ chức, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm, đưa ra biện pháp cải thiện nhằm nâng cao chất lượng phục vụ và cung cấp dịch vụ hành chính của các cơ quan hành chính trong tỉnh. Năm 2014, UBND tỉnh Phú Thọ đã tiến hành khảo sát mức độ hài long của cá nhân, tổ chức đối với việc giải quyết các thủ tục hành chính tại cơ quan hành chính nhà nước, kết quả đạt 68%./.

Phương Thảo

Báo Bắc Kạn