The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa "cà phê cùng doanh nhân"

Sáng 16/9, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chi nhánh Khánh Hòa (VCCI Khánh Hòa) tổ chức chuỗi sự kiện cà phê doanh nhân, diễn đàn – hội nghị kết nối có chủ đề ‘Kết nối doanh nghiệp và chuyển đổi số’.
Hoạt động gặp gỡ của giới doanh nghiệp tỉnh Khánh Hòa lần này có sự xuất hiện của ông Nguyễn Tấn Tuân - Chủ tịch UBND tỉnh. Ông Tuân đã trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp về định hướng phát triển kinh tế số của tỉnh và lắng nghe ý kiến từ các chuyên gia, doanh nghiệp.
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa ngồi cà phê cùng doanh nghiệp
Tại chương trình, lãnh đạo các Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ đã chia sẻ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư phát triển; chính sách hỗ trợ chuyển đổi số, chuyển đổi công nghệ, đổi mới sáng tạo ở khối hành chính công và doanh nghiệp địa phương...
Ngoài ra, các diễn giả, doanh nghiệp đã cùng trao đổi về giải pháp phù hợp chuyển đổi công nghệ, chuyển đổi số, mô hình kinh doanh, quản trị cho từng loại hình SMEs, Startups, tập đoàn và khu vực hành chính công theo xu hướng số 4.0,…
Hướng tới mục tiêu tỷ trọng kinh tế số trên GRDP đạt hơn 30%
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa ngồi cà phê cùng doanh nghiệp
Ông Nguyễn Tấn Tuân - Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa trò chuyện cùng doanh nghiệp.
Trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp, ông Nguyễn Tấn Tuân cho biết, báo cáo của Ban Kinh tế Trung ương, tỷ trọng kinh tế số trên GRDP của các tỉnh, thành phố trên cả nước năm 2022, Bắc Ninh dẫn đầu với 56,83%; Khánh Hòa đang đứng thứ 22 với 9,4%, trong khi bình quân cả nước là 14,26%.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, mục tiêu của tỉnh đến năm 2030, tỷ trọng kinh tế số trên GRDP đạt 30%, điều này đặt các nhà quản lý và các doanh nghiệp phải tìm hướng phát triển.
Ông Tuân hy vọng, các doanh nhân sẽ lắng nghe các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các lãnh đạo sở, ngành, giúp kinh tế số chiếm lĩnh được thị trường tổng sản phẩm quốc nội.
Trong đó, đối với Khánh Hòa, phát triển du lịch, dịch vụ, thương mại trên cơ sở nền tảng là nền công nghiệp hiện đại, xanh, phù hợp môi trường, có nền nông nghiệp xanh, chuyển đổi sớm về kỹ thuật số để tất cả các sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp, đặc biệt dịch vụ du lịch, thương mại ngày càng xanh.
Cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh để thu hút đầu tư
Cũng tại chương trình, TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương chia sẻ, về chuyển đổi số, các doanh nghiệp cần tiếp cận một cách thiết thực, có lựa chọn, không chạy theo phong trào. Các nhà tư vấn, hoạch định chính sách cần kết hợp tìm hiểu thực tiễn doanh nghiệp và đưa ra các giải pháp hỗ trợ phù hợp.
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nhận định, Khánh Hòa có nhiều doanh nghiệp hơn so với các địa phương khác, với mật độ 19 doanh nghiệp/1.000 dân.
Trong thời kỳ này, các doanh nghiệp đang ở vào thời kỳ khó khăn nhất, do suy giảm kinh tế bên ngoài đang kéo dài và bất ổn, cùng với đó nhiều yếu tố không đoán định được.
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa ngồi cà phê cùng doanh nghiệp
TS. Nguyễn Đình Cung - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương trao đổi tại chương trình
Theo đó, TS. Nguyễn Đình Cung kiến nghị tỉnh Khánh Hòa cần đẩy nhanh tiến độ và giải ngân hết vốn đầu tư công; Thực hiện đầy đủ, triệt để các chương trình của Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch.
Cùng với đó, tiếp tục cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI. “Khánh Hòa đã có bước tiến vượt bậc từ thứ 43 lên 16, nhưng như thế là chưa đủ, phải đạt top 10, top 5 và duy trì ở đó trong nhiều năm, ít nhất một nhiệm kỳ mới có tác động rõ nét trong thu hút đầu tư”, ông Cung nói.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, tỉnh Khánh Hòa cần tăng cường đối thoại, cả chính thức và không chính thức với cộng đồng doanh nghiệp, thậm chí có thể tổ chức đối thoại chuyên đề với doanh nghiệp trong hệ sinh thái du lịch…