The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Cao Bằng: Nỗ lực nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh

Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) được các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài coi là một trong những căn cứ quan trọng để xem xét, lựa chọn đầu tư tại địa phương. Do đó, những năm qua các sở, ngành, địa phương đã nỗ lực, khắc phục khó khăn đề ra giải pháp phù hợp; rà soát và phân tích kỹ những chỉ số thấp điểm để có kế hoạch cải thiện, nâng cao chất lượng các chỉ số thành phần.
Theo kết quả công bố của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) năm 2019, chỉ số PCI của tỉnh tiếp tục tăng thêm 3 bậc so với năm 2018, đạt 63,69 điểm, xếp vị trí 54/63 trong bảng xếp hạng chỉ số PCI toàn quốc. Góp phần tăng được 3 bậc là nhờ kết quả của 7/10 chỉ số thành phần tăng điểm, gồm: Tính minh bạch đạt 6,75 điểm, tăng 0,51 điểm, xếp vị trí 23/63; chi phí thời gian đạt 5,69 điểm, tăng 0,78 điểm, xếp vị trí 60/63;
Chi phí không chính thức đạt 5,43 điểm, tăng 0,60 điểm, xếp vị trí 58/63; tính năng động đạt 5,26 điểm, tăng 1,06 điểm, xếp vị trí 63/63; đào tạo lao động đạt 6,80 điểm, tăng 0,38 điểm, xếp vị trí 26/63; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự đạt 6,45 điểm, tăng 0,79 điểm, xếp vị trí 37/63; tiếp cận đất đai đạt 5,18 điểm, tăng 0,05 điểm, xếp vị trí 63/63.
Đây là minh chứng cho những nỗ lực về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) phát triển và tạo tiền đề để năm 2020 tỉnh nỗ lực hơn nữa nhằm cải thiện thứ bậc và nâng cao chỉ số PCI. Thông qua các chính sách thu hút, lãnh đạo tỉnh chú trọng việc mời gọi các DN đến đầu tư; các sở, ngành, địa phương luôn nỗ lực tạo môi trường thuận lợi nhất cho nhà đầu tư khi đến làm việc và chủ động triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ, đồng hành với DN, kết nối DN thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức kết nối thị trường trong và ngoài nước…; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đến giải quyết các thủ tục liên quan.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục làm cơ quan đầu mối cho các cấp, ngành tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ cho DN. Cục Thuế tỉnh, Cục Hải quan tỉnh… chủ động tổ chức hội nghị đối thoại DN của ngành mình, giúp tháo gỡ phần lớn khó khăn, vướng mắc của các DN, nhà đầu tư. Hằng năm, tỉnh tổ chức thu thập thông tin từ các DN, nhà đầu tư để đánh giá và xếp loại công tác cải cách thủ tục hành chính của các sở, ban, ngành, góp phần bảo đảm tính minh bạch trong quan hệ giữa cơ quan nhà nước với DN, doanh nhân, ngăn ngừa, đẩy lùi những hiện tượng tiêu cực trong quan hệ giữa DN, doanh nhân với cán bộ, công chức.
Bên cạnh những kết quả đạt được, còn 3/10 chỉ số thành phần giảm điểm, gồm: Chi phí gia nhập thị trường đạt 7,46 điểm, giảm 0,25 điểm, xếp vị trí 27/63; cạnh tranh bình đẳng đạt 6,35 điểm, giảm 0,02 điểm, xếp vị trí 32/63; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp đạt 6,43 điểm, giảm 0,34 điểm, xếp vị trí 23/63.
Qua đó cho thấy môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh còn bộc lộ một số hạn chế như: Tính ổn định của các chỉ số thành phần PCI chưa cao, việc thu hút đầu tư chưa có chiến lược dài hạn; cải cách thủ tục hành chính có nơi còn chậm và chưa thực sự hiệu quả; cơ chế phối hợp giữa các cấp, ngành trong việc hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, theo dõi, giải quyết những khó khăn, vướng mắc đối với các dự án kết quả chưa cao; hạ tầng cơ sở chưa được đầu tư đồng bộ, chưa tạo lập nhiều quỹ đất dành cho đầu tư, phát triển...
Năm 2020, tỉnh đặt ra mục tiêu tiếp tục nâng cao nhận thức và hành động của các cấp, ngành thực hiện chủ trương xuyên suốt “Chính quyền đồng hành cùng DN”; nêu cao tinh thần, thái độ phục vụ DN, nhà đầu tư; không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng điều hành cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh vì sự phát triển của DN và kinh tế - xã hội của tỉnh.
Phấn đấu chỉ số PCI xếp hạng tăng so với năm 2019 và thuộc nhóm trung bình khá toàn quốc; không có chỉ số giảm điểm và có ít nhất 6/10 chỉ số tăng điểm so với năm 2019; không có sở, ngành, địa phương nào rơi vào nhóm có điểm số dưới trung bình tại kết quả đánh giá năng lực cạnh tranh các sở, ngành, địa phương (DDCI). Tập trung cải thiện điểm số của các chỉ số có trong số cao và ảnh hưởng trực tiếp đến tổng điểm số PCI như: dịch vụ hỗ trợ DN; đào tạo lao động; tính minh bạch; cạnh tranh bình đẳng…
Theo đồng chí Vũ Đình Quang, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, để tập trung khắc phục những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế trong cải thiện các chỉ số PCI còn thấp cần tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền; bám sát chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh để thực hiện, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức về tầm quan trọng của việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI cấp tỉnh.
Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, kỹ năng giao tiếp hành chính đối với cán bộ, công chức, đặc biệt là những cán bộ, công chức thường xuyên tiếp xúc với người dân và DN. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục liên quan đến thành lập DN, đất đai, đầu tư, xây dựng, kê khai nộp thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong công tác cải cách thủ tục hành chính của tỉnh.