The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Cao Bằng: Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, nút thắt cho người dân, doanh nghiệp

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 5/1/2024 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh (MTKD), nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và cải cách thủ tục hành chính trong các sở, ngành, địa phương, tạo sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.
Trong năm 2023, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong công tác cải thiện MTKD, tạo động lực tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đồng thời, tiếp tục tập trung thực hiện có hiệu quả Chương trình số 09-CTr/TU ngày 11/11/2021 của Tỉnh ủy về xây dựng và đổi mới cơ chế, chính sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, qua đó đã đạt được một số kết quả quan trọng. Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh ở một số đơn vị còn bị động, thiếu quyết liệt; công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) chưa thực sự tạo được sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp (DN). Các chính sách hỗ trợ chưa hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu của DN, hợp tác xã.
Dự báo năm 2024, thuận lợi và khó khăn tiếp tục đan xen nhưng khó khăn, thách thức sẽ lớn hơn. Để củng cố niềm tin và tạo thêm động lực cho DN vượt qua khó khăn, tiếp tục phục hồi và phát triển, cải cách MTKD đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ hơn, thực chất hơn, quyết liệt hơn từ các bên liên quan, các sở, ngành, địa phương. UBND tỉnh yêu cầu chính quyền các cấp xác định cải cách, cải thiện MTKD là nhiệm vụ ưu tiên trọng tâm; nỗ lực thực sự để tháo gỡ khó khăn, nút thắt cho người dân, DN.
Theo đó, quan điểm chỉ đạo là quán triệt, chấp hành nghiêm chỉnh và triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, thiết thực các nghị quyết đại hội Đảng các cấp; kết luận, chỉ thị, nghị quyết và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và UBND tỉnh. Bảo đảm quyền tự do kinh doanh cho người dân, DN theo quy định của Hiến pháp 2013; tạo MTKD thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh và phát triển các ý tưởng kinh doanh mới, sáng tạo. Cải cách theo hướng giảm bớt thủ tục, thời gian, chi phí và rủi ro cho DN.
Tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, đặc biệt là nâng cao chất lượng xây dựng chính sách; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực và tăng cường giám sát, thanh tra theo quy định; nâng cao chất lượng thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, tập trung thực hiện có hiệu quả các mục tiêu của Chương trình số 09-CTr/TU ngày 11/11/2021 của Tỉnh ủy về xây dựng, đổi mới cơ chế, chính sách. chính sách cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và thu hút các nhà đầu tư chiến lược.
Hỗ trợ kinh tế tư nhân phát triển lành mạnh, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành động lực quan trọng khai thác thế mạnh, tiềm năng của địa phương. Tạo điều kiện thuận lợi để phát triển đội ngũ doanh nhân vững mạnh về số lượng, chất lượng, năng động, sáng tạo, tuân thủ pháp luật, có đạo đức và có văn hóa kinh doanh mang bản sắc dân tộc; có trách nhiệm xã hội, ý thức bảo vệ môi trường, đóng góp ngày càng quan trọng và hiệu quả vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển của địa phương và quốc gia.
Tập trung chỉ đạo, hỗ trợ DN nhanh chóng hoàn tất các thủ tục đầu tư, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến quy hoạch, đất đai, giải phóng mặt bằng để triển khai dự án (DA); DA đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư; đẩy nhanh triển khai các dự án đầu tư quan trọng, có chiều sâu để tạo đà tăng trưởng. Không ban hành quy định yêu cầu DN chia sẻ thông tin, dữ liệu vượt quá thẩm quyền và phạm vi quy định tại các văn bản pháp luật.
Chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện cải cách hành chính và giải quyết TTHC bảo đảm đúng thời hạn. Siết chặt kỷ cương, kỷ luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả và nâng cao trách nhiệm của người lãnh đạo trong việc cải thiện MTKD. Khắc phục triệt để tình trạng trốn tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong thực hiện công vụ; Đồng thời, phải bảo vệ những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Mục tiêu tổng quát hướng đến triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ để nâng cao nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, góp phần cùng cả nước thực hiện mục tiêu nâng cao thứ hạng trong các xếp hạng quốc tế: Phát triển bền vững (của Liên hợp quốc - UN); Năng lực Đổi mới sáng tạo (của WIPO); Chính phủ điện tử (của UN); Quyền tài sản (IPRI) của Liên minh quyền tài sản; Hiệu quả logistics (LPI) của Ngân hàng thế giới (WB); Năng lực phát triển du lịch và lữ hành (TTDI) của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF); An toàn an ninh mạng của (ITU).
Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ MTKD, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, tăng nhanh về số lượng DN mới thành lập; giảm tỷ lệ DN tạm ngừng hoạt động; tăng số lượng DN có hoạt động đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; củng cố niềm tin, tạo điểm tựa cho phục hồi và nâng cao sức chống chịu của DN. Tạo động lực để tăng cường thu hút đầu tư, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi và thu hút tối đa nguồn lực đầu tư xã hội vào tỉnh.
Mục tiêu cụ thể: Số DN gia nhập thị trường (thành lập mới và quay trở lại hoạt động) năm 2024 tăng ít nhất 10% so với năm 2023; số DN rút lui khỏi thị trường năm 2024 tăng dưới 10% so với năm 2023; phấn đấu 100% đơn vị cập nhật dữ liệu quy định kinh doanh trên Cổng tham vấn và Tra cứu quy định kinh doanh; tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên tổng số thủ tục hành chính có đủ điều kiện trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia đạt tổi thiểu 80%; tỷ lệ thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia trên tổng số giao dịch thanh toán của dịch vụ công đạt tối thiểu 45%; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến trên tổng số hồ sơ tiếp nhận, giải quyết TTHC tối thiểu đạt 50%; tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC đạt tối thiểu 80%; tỷ lệ cấp kết quả giải quyết TTHC điện tử đạt 100%; triển khai thực hiện chứng thực bản sao điện tử từ bản chính tại UBND cấp xã và Phòng Tư pháp cấp huyện đạt 100%; tỷ lệ khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa tối thiểu đạt 50%; tỷ lệ công bố, công khai TTHC đúng hạn đạt 100%; tỷ lệ kết quả xử lý hồ sơ TTHC của bộ, ngành, địa phương được dồng bộ đầy đủ trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia đạt 100%; tỷ lệ xử lý phản ánh, kiến nghị đúng hạn đạt 100%; mức độ hài lòng trong tiếp nhận, giải quyết TTHC của người dân, DN đạt tối thiểu 90%
Để thực hiện hiệu quả mục tiêu trên, tập trung tăng cường trách nhiệm, tính chủ động, kịp thời của các cơ quan, đơn vị được phân công làm đầu mối và các cơ quan thực hiện đối với các chỉ tiêu cải cách TTHC, quy định kinh doanh thường xuyên theo dõi, báo cáo, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện theo chức năng của ngành, lĩnh vực được phụ trách.
Chú trọng thực hiện các nhóm giải pháp trọng tâm: Tập trung thực hiện các giải pháp cải cách TTHC tạo thuận lợi cho người dân, DN; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với xây dựng chính quyền điện tử, thúc đẩy chuyển đổi số tỉnh; tháo gỡ khó khăn trong thực hiện DA đầu tư và tập trung đẩy mạnh xây dựng một số DA trọng điểm của tỉnh; cải thiện MTKD, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); thực hiện Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI); công tác hỗ trợ, phát triển DN, hợp tác xã, tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn cho DN; tăng cường các chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch nhằm quảng bá, giới thiệu các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.