The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Cần Thơ đang chuyển từ “quản lý” sang “phục vụ” doanh nghiệp

(NB&CL) - Kết quả xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2013 TP. Cần Thơ tăng 5 bậc từ hạng 14 năm 2012 lên vị trí thứ 9; xếp thứ 4 trong 13 tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long và xếp thứ 2 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương. NB&CL đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Hồng, Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư TP. Cần Thơ xung quanh vấn đề này
Thưa ông, xin ông cho biết đâu là những biện pháp giúp thành phố Cần Thơ xây dựng một môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch và nổi bật trong khu vực?
+ Các kết quả đã đạt được là do thành phố đã có những giải pháp tích cực. Đầu tiên là công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và của thành phố về phát triển kinh tế - xã hội để một mặt tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận với các thông tin về cơ chế, chính sách của thành phố, đồng thời, phối hợp với các Hiệp hội, Trung tâm xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Du lịch và các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố xây dựng thương hiệu doanh nghiệp nhằm quảng bá vị trí, hình ảnh và những đóng góp của các doanh nghiệp trong phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội.
Thứ hai là tạo được sự chuyển biến mạnh trong đội ngũ cán bộ, công chức về trách nhiệm, tác phong thực hiện công vụ; chuyển nhận thức và hành động hàng ngày từ “quản lý doanh nghiệp” sang “phục vụ doanh nghiệp”. Việc cấp đăng ký doanh nghiệp được thực hiện theo quy trình ISO trên Hệ thống đăng ký kinh doanh quốc gia. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể tiến hành đăng ký kinh doanh qua mạng trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia.
Để nâng cao tính chuyên nghiệp, năng lực và phẩm chất đội ngũ cán bộ, thành phố đã tăng cường tổ chức các lớp tập huấn định kỳ, thường xuyên cập nhật những chủ trương, văn bản pháp luật mới ban hành nhằm củng cố kiến thức chuyên môn của các cán bộ, công chức, đặc biệt đội ngũ cán bộ phụ trách “bộ phận một cửa”, “bộ phận một cửa liên thông” trực tiếp làm việc với nhân dân và doanh nghiệp. Ngày 05 tháng 02 năm 2013, UBND thành phố ban hành Quy chế phối hợp và hoạt động của Bộ phận “ Một cửa liên thông” trong giải quyết một số thủ tục đầu tư đối với các dự án ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn. Theo đó, việc giải quyết các thủ tục đầu tư từ giai đoạn chuẩn bị đến khi bắt đầu triển khai thực hiện đối với các dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất thông qua một đầu mối duy nhất là Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch thành phố Cần Thơ.
Điểm mấu chốt nữa là thành phố tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý Nhà nước, bộ phận một cửa, bộ phận một cửa liên thông. Thành phố đã triển khai xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống quản lý văn bản và hệ thống 01 cửa điện tử cho các sở ngành, Ủy ban nhân dân quận huyện. Đồng thời, tăng cường xây dựng và đưa vào áp dụng hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 hướng tới xây dựng Chính quyền điện tử.
Để tăng cường khả năng cạnh tranh TP Cần Thơ đã có nững giải pháp nào, thưa ông?
+ Từ 2 năm trước, Thành ủy Cần Thơ đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 09 tháng 7 năm 2012 về cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của thành phố Cần Thơ. Theo đó, UBND thành phố cũng đã ban hành chương trình động, đề ra các giải pháp cải thiện chỉ số này trong thời gian tới. Có thể chi tiết các giải pháp này thành 2 nhóm như sau:
Nhóm 1: các giải pháp nhằm cải thiện vị trí các chỉ số có thứ hạng thấp như: Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong giải quyết các vấn đề về tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất cho doanh nghiệp. Đẩy mạnh công tác đào tạo nhân lực: xây dựng hoàn thiện quy hoạch mạng lưới hệ thống trường dạy nghề trên địa bàn. Xây dựng Kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình phát triển nguồn nhân lực thành phố giai đoạn 2011-2015. Chỉ số tính minh bạch và tiếp cận thông tin: Thực hiện công khai minh bạch, thường xuyên cập nhật thông tin, tập trung trên các lĩnh vực quản lý xây dựng, đất đai, cấp giấy phép đầu tư, thành lập doanh nghiệp, kê khai và nộp thuế, phí và lệ phí, hải quan… bằng nhiều hình thức để người dân và doanh nghiệp dễ hiểu và dễ thực hiện. Chỉ số thiết chế pháp lý: Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng của cán bộ, công chức; bổ sung chỉ tiêu ngành nghề liên quan đến luật pháp và hành chính trong chỉ tiêu đào tạo nguồn nhân lực, thu hút nhân tài của thành phố
Nhóm 2 là các giải pháp duy trì và cải thiện hơn nữa chỉ số có vị trí cao, tăng bậc và các chỉ số tăng điểm nhưng giảm thứ bậc: Chỉ số chi phí không chính thức: rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính bảo đảm công khai minh bạch các quy trình thủ tục, tăng cường kiểm tra công vụ của cán bộ công chức thực thi công vụ, xử lý nghiêm cán bộ công chức có hành vi sách nhiễu. Chỉ số chi phí gia nhập thị trường: Rà soát để đơn giản hóa các thủ tục hành chính, kiến nghị bãi bỏ các giấy phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh không cần thiết. Nâng cao hiệu quả cơ chế một cửa liên thông bằng cách tăng cường đầu tư trang thiết bị cho cán bộ, công chức; nâng cao kiến thức, kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp với công dân, tổ chức của cán bộ, công chức thi hành công vụ. Vận hành có hiệu quả cổng thông tin doanh nghiệp quốc gia và cổng đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử. Chỉ số thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước: Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành, giải quyết thủ tục hành chính và xây dựng chính quyền điện tử. Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 vào hoạt động của tất cả các cơ quan quản lý hành chính nhà nước. Hoàn thiện việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo mô hình thống nhất một đầu mối. Nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các dịch vụ công hỗ trợ doanh nghiệp: Nâng cao tính chuyên nghiệp, năng động, hiệu quả của Trung tâm xúc tiến Đầu tư - Thương mại – Du lịch. Tăng cường liên kết, phối hợp giữa các cơ quan xúc tiến đầu tư - thương mại - du lịch ở địa phương với các cơ quan trong khu vực, các tỉnh trong cả nước và cơ quan Trung ương. Tính năng động và tiên phong của lãnh đạo thành phố: Đổi mới toàn diện, tạo sự chuyển biến căn bản về chất lượng bộ máy hành chính. Tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm, sự năng động, sáng tạo và tiên phong của lãnh đạo các cấp chính quyền và đội ngũ cán bộ, công chức trong việc hỗ trợ doanh nghiệp. Đề cao trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan quản lý Nhà nước cấp thành phố, quận, huyện trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Triển khai thực hiện chế độ khảo sát về sự hài lòng của doanh nghiệp đối với cơ quan quản lý Nhà nước.
Thành phố Cần Thơ đã có chuẩn bị như thế nào để thu hút mạnh mẽ hơn nguồn vốn đầu tư trong thời gian tới, thưa ông?
+ Đối với vốn ngoài ngân sách nhà nước: Tiếp tục rà soát, không ngừng hoàn thiện, đơn giản hóa các thủ tục hành chính một cách toàn diện, triệt để theo hướng minh bạch, công khai thời gian giải quyết hồ sơ và ngày hẹn trả kết quả, trách nhiệm của các cơ quan chức năng; kịp thời xử lý vướng mắc, tạo tâm lý yên tâm cho doanh nghiệp.
Rà soát điều chỉnh các chính sách thu hút, ưu đãi đầu tư cho phù hợp với tình hình thực tế. Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư thương mại. Nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của Tổ hỗ trợ doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp giải quyết khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước, bộ phận một cửa, bộ phận một cửa liên thông. Từng bước đưa vào áp dụng hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 cho tất cả các thủ tục hành chính đủ điều kiện thực hiện mức độ 3 hướng tới xây dựng Chính quyền điện tử.
Tăng cường hoạt động đối thoại giữa doanh nghiệp và các cấp chính quyền, các ngành chức năng tạo cơ chế thông tin hai chiều hiệu quả, góp phần xây dựng bộ máy Nhà nước thân thiện đồng hành cùng doanh nghiệp thúc đẩy sự phát triển kinh tế của thành phố.
Cải thiện chỉ số PCI thông qua công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh địa phương, giải quyết các vướng mắc phát sinh liên quan đến doanh nghiệp, tạo tâm lý an tâm cho nhà đầu tư đến Cần Thơ.
Đối với vốn ngân sách nhà nước: Thành phố Cần Thơ là thành phố trẻ nên nguồn vốn đầu tư phát triển của thành phố Cần Thơ vẫn còn thấp. Đến năm 2010, thành phố Cần Thơ thuộc đối tượng tự cân đối ngân sách có điều tiết về ngân sách Trung ương.
Trong điều kiện nhu cầu vốn để đầu tư hoàn thiện nhiều công trình công trình hạ tầng kỹ thuật kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng rất lớn trong khi nguồn thu nội địa còn hạn chế, thành phố đã đề ra những giải pháp cụ thể trong từng năm, từng giai đoạn nhất định bao gồm:
- Xây dựng cơ chế thu hút đầu tư thật sự phù hợp với tình hình thực tế, nhất là cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư sản xuất - kinh doanh trong các khu công nghiệp nói riêng và trên địa bàn thành phố nói chung. Bên cạnh đó, quan tâm thực hiện các giải pháp nhằm tăng nguồn thu từ khai thác quỹ đất.
- Tiếp tục tranh thủ sự hỗ trợ từ các nguồn vốn Trung ương như vốn Trái phiếu Chính phủ, vốn trung ương hỗ trợ có mục tiêu, vốn tín dụng ưu đãi, vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia và vốn ODA để đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm có sức lan tỏa, kết nối để phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh trong phát triển thành phố đến năm 2020 theo Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển thành phố Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Xin cám ơn ông Nguyễn Văn Hồng
Gia Lượng- Hồng Ân