The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Bộ chỉ số DDCI Tiền Giang: Đòn bẩy giúp nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Bộ Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) tỉnh Tiền Giang năm 2022 đến nay đã hoàn thành nội dung xây dựng và ban hành kế hoạch, đang bước vào giai đoạn khảo sát thực tế.
Cùng với Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Bộ Chỉ số DDCI được xem là thước đo đánh giá hiệu quả năng lực điều hành của các đơn vị, cơ quan nhà nước. Năm 2022 là năm đầu tiên tỉnh Tiền Giang triển khai thực hiện bộ Chỉ số DDCI với sự kỳ vọng sẽ trở thành hoạt động thường niên giúp nhìn nhận và đánh giá chính xác về năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương.
Đòn bẩy nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh
Nếu Bộ Chỉ số PCI đánh giá và xếp hạng chính quyền các tỉnh, thành của Việt Nam về chất lượng điều hành kinh tế và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho việc phát triển của doanh nghiệp (quy mô cấp quốc gia), thì DDCI là cuộc khảo sát, lấy ý kiến đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp đến từng sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, thành phố (quy mô cấp tỉnh).
Việc thực hiện đánh giá chỉ số DDCI hiệu quả là một trong những yếu tố tiền đề quan trọng để các sở, ban, ngành, địa phương nâng cao chất lượng tham mưu, điều hành kinh tế, kịp thời, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, từ đó góp phần cải thiện thứ hạng trên bảng xếp hạng Chỉ số PCI.

Những năm qua, Tiền Giang luôn chú trọng công tác cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh như: Thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp theo Nghị quyết số 02-NQ/CP ngày 01/01/2022 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia năm 2022 hay Kế hoạch số 273/KH-UBND ngày 22/9/2021 về nâng cao Chỉ số Cải cách hành chính, Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công và Chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh Tiền Giang năm 2021 và những năm tiếp theo.
Những quy định này chính là cơ sở để các ngành, các cấp xây dựng và triển khai kế hoạch, giải pháp cụ thể trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước, cải thiện chất lượng điều hành kinh tế - xã hội của tỉnh, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.
Kết quả khảo sát được công bố gần đây cho thấy, Chỉ số PCI năm 2021 của tỉnh Tiền Giang đứng thứ 33/63 trong bảng xếp hạng, thuộc nhóm trung bình với 64,41 điểm, tăng 12 bậc và tăng 1,63 điểm so với năm 2020; trong đó có 6 chỉ số thành phần tăng điểm, có 4 chỉ số thành phần giảm điểm.
Theo phân tích của ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI), sau nhiều năm trồi sụt, Chỉ số PCI năm 2021 của Tiền Giang đã tăng lên hạng 33 và đây cũng là mức tốt nhất trong 5 năm qua. Nổi bật trong đó là một số chỉ số thành phần tăng mạnh, đặc biệt là tính năng động của bộ máy chính quyền khi được các doanh nghiệp đánh giá tương đối tích cực.
Với quyết tâm cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI, tỉnh Tiền Giang đã triển khai thực hiện bộ Chỉ số DDCI với sự kỳ vọng sẽ trở thành hoạt động thường niên giúp nhìn nhận và đánh giá chính xác về năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương. Cụ thể, Bộ chỉ số DDCI của tỉnh Tiền Giang bao gồm 10 chỉ số thành phần áp dụng đối với khối địa phương (UBND cấp huyện) gồm: Chi phí gia nhập thị trường; Khả năng tiếp cận đất đai và địa điểm kinh doanh; Chất lượng dịch vụ công trong cấp phép và hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra; Tính năng động, tiên phong của lãnh đạo huyện; Hiệu quả công tác đối thoại và trách nhiệm giải trình; Minh bạch thông tin và đối xử công bằng; Hiệu quả cải cách thủ tục hành chính, chất lượng dịch vụ công và hiệu quả của bộ phận một cửa; Hiệu quả hoạt động hỗ trợ kinh doanh; Chi phí không chính thức; Hiệu quả của công tác an ninh trật tự đảm bảo môi trường kinh doanh an toàn. 7 chỉ số thành phần áp dụng đối với cấp sở, ban ngành gồm: Hiệu quả thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch; Chất lượng dịch vụ công; Minh bạch thông tin và đối xử công bằng; Tính năng động và trách nhiệm giải trình của cán bộ lãnh đạo; Hỗ trợ doanh nghiệp; Thiết chế pháp lý và hiệu quả thực thi chính sách, văn bản pháp luật; Chi phí không chính thức.
Trao quyền "chấm điểm" cho doanh nghiệp
DDCI được hình thành dựa trên kết quả khảo sát các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Số phiếu điều tra là 7.000 phiếu và có 3.000 doanh nghiệp tham gia khảo sát, trong đó sẽ có khoảng 1.000 doanh nghiệp tham gia đánh giá khối địa phương; 1.500 doanh nghiệp tham gia đánh giá khối sở, ban, ngành và 500 doanh nghiệp tham gia đánh giá cả khối địa phương và khối sở, ban, ngành. Phương án tính điểm xếp hạng DDCI Tiền Giang 2022 đảm bảo tương đồng, phù hợp với cách tính điểm của các chỉ số thành phần Chỉ số PCI.
Bộ chỉ số DDCI của Tiền Giang được chú trọng đầu tư để đảm bảo phát triển dựa theo chuẩn của bộ chỉ số PCI. Chính vì vậy, chương trình triển khai đánh giá DDCI năm 2022 phải được nghiên cứu, tính toán kĩ lưỡng, đảm bảo khoa học, chính xác, khách quan, phản ánh được thực chất chất lượng công tác của các sở, ban ngành, địa phương.
Ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh Tiền Giang nhấn mạnh, "Công tác cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022". Ông Vĩnh yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành và địa phương cần phải quyết tâm khắc phục những hạn chế, khó khăn và nâng cao hiệu quả các chỉ số cải cách hành chính. Bên cạnh đó cùng với tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, thường xuyên kiểm tra công vụ, để phát hiện và chấn chỉnh kịp thời; củng cố lại và phát huy chuyên đề thi đua về cải cách hành chính. Đồng thời, tiếp tục duy trì và củng cố công tác thông tin tuyên truyền về cải cách thủ tục hành chính và nâng chất nội dung thông tin tuyên truyền trên các trang cổng thông tin điện tử của tỉnh và các sở, ngành.
Song song với đó, để đạt được mục tiêu này, các doanh nghiệp tham gia khảo sát cần nghiêm túc nghiên cứu kỹ nội dung các câu hỏi trong phiếu khảo sát và “chấm điểm”; bảo đảm khách quan, trung thực, phản ánh đúng hiện thực về chất lượng quản lý, điều hành của các sở, ban, ngành và UBND huyện, thành phố, thị xã. Bởi triển khai bộ chỉ số DDCI được xem là bước đột phá của tỉnh trong công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền phục vụ người dân, giúp doanh nghiệp đánh giá chính xác hơn quyết tâm cải cách bộ máy hành chính của tỉnh.
Để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, ông Đậu Anh Tuấn đưa ra khuyến nghị: "Tiền Giang cần tích cực, chủ động và sáng kiến để xây dựng phương án, tổ chức thực thi các chương trình, giải pháp để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương trong năm 2022 và những năm tiếp theo dựa trên các Nghị quyết của Chính phủ".
Trên cơ sở kết quả triển khai bộ chỉ số DDCI năm 2022 sẽ giúp các sở, ngành, địa phương khắc phục nhanh những vấn đề doanh nghiệp và người dân chưa hài lòng; nâng cao hơn nữa năng lực điều hành chỉ số DDCI và các chỉ số thành phần của PCI năm 2022 cũng như các năm tiếp theo. Thực hiện DDCI cũng thể hiện quyết tâm cao của tỉnh Tiền Giang trong việc minh bạch thông tin, nâng cao tính cạnh tranh, thu hút đầu tư và đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình phát triển.