The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Bình Phước: DDCI - Gỡ điểm nghẽn, nâng cao chỉ số PCI

Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) là một trong những chỉ đạo trọng tâm, xuyên suốt của Bình Phước nhằm cải thiện môi trường đầu tư. Tuy nhiên, tốc độ cải thiện chỉ số này phụ thuộc rất nhiều vào các chỉ số thành phần. Năm 2021, lần đầu tiên Bình Phước triển khai đánh giá bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI). Việc đánh giá đúng DDCI góp phần nhận diện rõ những “nút thắt” trong chất lượng điều hành kinh tế tại các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố, từ đó có giải pháp cải thiện chỉ số PCI.
Để doanh nghiệp được đánh giá chính quyền
DDCI Bình Phước năm 2021 được triển khai trong bối cảnh cả nước đều chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, tỉnh xem việc triển khai DDCI là hoạt động thiết yếu để phản ánh tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp (DN) và các nhà đầu tư hoạt động trên địa bàn tỉnh. Ngay khi triển khai bộ chỉ số DDCI, cộng đồng DN đã rất phấn khởi, bởi hoạt động này thể hiện rõ thiện chí của tỉnh trong tạo môi trường đầu tư thuận lợi.
Cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh ghi nhận và đánh giá cao những cải cách quyết liệt, mạnh mẽ và nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư của các sở, ngành, địa phương. Trong ảnh: Công ty TNHH Infac Vina, Khu công nghiệp Minh Hưng - Hàn Quốc, huyện Chơn Thành hoạt động sản xuất ổn định nhờ các chính sách đồng hành và chia sẻ của chính quyền
Ông Trần Minh Đức, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Thành Phương chia sẻ: “Cán bộ là gốc của mọi vấn đề. Với sự năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, công chức, bám sát những vấn đề cộng đồng DN quan tâm, lãnh đạo tỉnh cầu thị và lắng nghe tiếng nói của DN, chúng tôi kỳ vọng DDCI sẽ phát triển sâu rộng và đi vào thực chất, có như vậy thì môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh mới thật sự thông thoáng”.
Năm 2021, do tác động của dịch Covid-19, có 92% DN tại Bình Phước chịu ảnh hưởng tiêu cực và 65% DN đã bị giảm thu nhập thực tế. Tuy nhiên, đa số DN hài lòng về cách ứng phó của chính quyền tỉnh trước đại dịch. 41% DN tư nhân tại Bình Phước có kế hoạch mở rộng sản xuất, kinh doanh trong 2 năm tới. Kết quả DDCI cho thấy, cộng đồng DN vẫn ghi nhận và đánh giá cao những cải cách quyết liệt, mạnh mẽ và nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư của các sở, ngành, địa phương.
Cơ hội tự “soi” mình
Chỉ số DDCI được xây dựng với mục đích kép, một mặt trao quyền cho DN đóng góp tiếng nói và thực thi vai trò giám sát các hoạt động điều hành kinh tế của tỉnh; mặt khác, đặt các cơ quan, đơn vị vào tâm thế thường trực cải cách và nâng cao chất lượng dịch vụ. Điển hình như Ban quản lý khu kinh tế, trong lần đầu tiên đánh giá, xếp hạng DDCI của ban đạt 78,03 điểm, đứng đầu trong bảng xếp hạng chỉ số DDCI trên toàn tỉnh. Đó là minh chứng của sự linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành, chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc và phát huy tính năng động, sáng tạo của cán bộ lãnh đạo trong thực thi nhiệm vụ.
Công ty cổ phần đầu tư Thái Bình, nhà máy Đồng Xoài phục hồi sản xuất nhanh sau đại dịch Covid-19 và đánh giá cao những cải cách quyết liệt, mạnh mẽ và nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư của các sở, ngành, địa phương
Ông Nguyễn Minh Chiến, Trưởng ban Quản lý khu kinh tế cho biết: Trong năm 2021, ban tiếp nhận 1.741 hồ sơ; 98,7% hồ sơ được giải quyết đúng và trước hạn. Ban cũng thường xuyên rà soát, điều chỉnh, cắt giảm, bổ sung bộ thủ tục hành chính nhằm đảm bảo hiệu quả công việc và tạo thuận lợi nhất cho các DN. Việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4 cũng giúp hạn chế tối đa các loại chi phí phát sinh trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính của DN.
Kết quả DDCI Bình Phước năm 2021 khối sở, ban, ngành cho thấy, có 5 đơn vị trong nhóm rất tốt, với điểm số khá cao (từ 67,05-78,03 điểm); 2 đơn vị xếp hạng tốt, 4 đơn vị xếp loại khá và 3 đơn vị chưa tốt. Ở khối huyện, thị xã, thành phố, có 1 đơn vị xếp ở nhóm rất tốt, với điểm số 73,54; 5 đơn vị xếp hạng tốt, 2 đơn vị xếp loại khá và 3 đơn vị xếp hạng chưa tốt.
Ngay tại hội nghị công bố DDCI, kết quả xếp hạng khiến không ít sở, ngành, địa phương bất ngờ. Tuy nhiên, các chuyên gia Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đã thẳng thắn chỉ ra rằng, kết quả này là sự cảm nhận, đánh giá khách quan của DN, hộ kinh doanh về chất lượng đồng hành của các đơn vị mà họ trực tiếp tương tác. Từ đó mới khơi dậy và thôi thúc được tinh thần, động lực thi đua, cạnh tranh, nỗ lực nâng cao chất lượng đồng hành với DN.
“Bình Phước còn rất nhiều dư địa để thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng công nghiệp; các dự án công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến; phát triển thương mại dịch vụ, logistics… Các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh đặt kỳ vọng rất lớn vào năng lực điều hành của chính quyền các cấp trong đồng hành, chia sẻ và hỗ trợ DN vượt qua khó khăn. Bình Phước cần tận dụng lợi thế, khơi thông các nguồn lực cho cộng đồng DN phát triển” - ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
DDCI rất quan trọng đối với thứ hạng PCI của Bình Phước, nếu DDCI cải thiện thực chất thì PCI sẽ được tăng lên. Khẳng định kết quả DDCI là cơ hội để các sở, ngành, địa phương tự “soi” lại mình, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Cường yêu cầu, chỉ số nào các sở, ngành, địa phương được đánh giá chưa tốt thì phải nghiêm túc nhìn nhận để cải thiện, khắc phục. Phải xem khó khăn của DN cũng là khó khăn của chính quyền, thành công của DN là thành công của địa phương, như vậy mới thực sự bứt phá, vươn lên.
Mặc dù mới triển khai năm đầu tiên nhưng kết quả xếp hạng DDCI đã bắt đầu tạo “sức nóng” để mỗi sở, ngành, địa phương nhìn nhận lại chất lượng điều hành của đơn vị mình. Từ đó sẽ có kế hoạch mới, giải pháp mới, nhất là những quyết sách tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm tạo môi trường thông thoáng, thu hút đầu tư tốt hơn. Điều này thể hiện quyết tâm cao của lãnh đạo tỉnh trong việc tìm kiếm bộ công cụ điều hành chất lượng, phù hợp, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và năng lực cạnh tranh của tỉnh.