The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Bình Dương: tiếp tục sẽ là điểm đến hấp dẫn

Ông Trần Văn Nam cho rằng, trong những năm qua, Bình Dương luôn nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh, tạo được uy tín cho các nhà đầu tư. Bình Dương hiện là một trong những tỉnh, thành có kết quả thu hút đầu tư nước ngoài đứng đầu cả nước. Tuy nhiên, qua đánh giá của VCCI, PCI năm 2013 của Bình Dương tụt hạng so với năm 2012, kết quả này có nhiều nguyên nhân, Bình Dương đã nghiêm túc rà soát lại tất cả các mặt để rút kinh nghiệm và đề ra các giải pháp để cải thiện trong thời gian tới.

- Vậy tỉnh đã có chủ trương và kế hoạch gì để lấy lại vị thế và năng lực cạnh tranh vốn rất xứng đáng được đánh giá cao trước đó?

Năm nay, UBND tỉnh xác định mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu là tiếp tục duy trì mức tăng trưởng kinh tế, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; Tiếp tục đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển đô thị, dịch vụ theo hướng văn minh, hiện đại; Thực hiện hiệu quả các chủ trương chính về tái cơ cấu đầu tư, DN, thị trường tài chính. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, trong đó nhiệm vụ trọng tâm là phải nhanh chóng cải thiện và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Các nội dung tập trung cụ thể là:

Một là, rà soát, công bố công khai các dự án thu hút đầu tư về quy mô, địa điểm, thời gian, công suất, điều kiện đầu tư. Đồng thời công bố các chỉ tiêu thống kê. Phân loại dự án đầu tư của các nhà đầu tư, nắm rõ tiến độ triển khai của từng dự án, khó khăn vướng mắc gặp phải trong quá trình thực hiện, để từ đó có biện pháp kịp thời hỗ trợ tháo gỡ cho nhà đầu tư.

Hai là, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức quản trị cho chủ các DN, tránh chồng chéo, đảm bảo sự hợp lý về nội dung và thời gian, tạo điều kiện cho các DN tham gia. Tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực có trình độ và tay nghề cao đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư, DN. Giúp cho DN giảm chi phí tuyển dụng và giảm chi phí đào tạo lại lao động và nâng cao sự hài lòng của DN đối với người lao động.

Ba là, phát triển mạng lưới các cơ sở dạy nghề theo hướng xã hội hóa, tập trung nâng cao hiệu quả đào tạo của các cơ sở công lập, tạo điều kiện khuyến khích các DN, các cơ sở tư nhân tham gia hoạt động dạy nghề theo quy định của pháp luật.

Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh rà soát, đề xuất các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, bãi bỏ các giấy phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh không cần thiết. Kết quả rà soát thủ tục hành chính được niêm yết công khai, cập nhật thường xuyên để người dân và DN được biết.

Năm là, từng bước cung cấp các dịch vụ hành chính công ở mức độ 3, 4 theo lộ trình cung cấp dịch vụ hành chính công trực tuyến được UBND tỉnh phê duyệt theo Quyết định số 3282/QĐ-UBND ngày 02/11/2011 trên cổng thông tin điện tử của tỉnh.

Sáu là, tiếp tục thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức, tập trung vào các kỹ năng thực tế và đối tượng có tiếp xúc trực tiếp đến người dân, DN và xử lý các hồ sơ có liên quan, đặc biệt là việc giáo dục đạo đức nghề nghiệp, văn hóa ứng xử cho cán bộ, đảm bảo cán bộ công chức nắm vững chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, linh hoạt, sáng tạo trong quá trình giải quyết khó khăn, vướng mắc cho DN.

Bảy là, tăng cường công tác kiểm tra nội bộ, tập trung việc theo dõi, kiểm tra, giám sát chặt chẽ cán bộ công chức trong quá trình thực thi công vụ, nhất là ở các khâu, các bộ phận dễ xảy ra tình trạng tiêu cực, tham nhũng, phát hiện kịp thời và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng vị trí làm việc gây khó khăn cho người dân và DN.

Tám là, công khai các số điện thoại, địa chỉ email, đường dây nóng, nhằm giúp các DN phản ánh kịp thời cho lãnh đạo cơ quan về các hành vi gây phiền hà, nhũng nhiễu của cán bộ, làm cơ sơ để xem xét xử lý nghiêm, ngăn ngừa kịp thời hành vi vi phạm pháp luật. Đảm bảo 100% phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức và DN được xử lý hoặc chuyển đến cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.

Chín là, triển khai Hệ thống thông quan điện tử tự động, cơ chế một cửa quốc gia (VNACCS/VCIS) do Nhật Bản tài trợ tại tất cả các Chi cục Hải quan, đảm bảo người sử dụng hệ thống thực hiện tốt các quy trình nghiệp vụ của hệ thống sau khi hệ thống vận hành chính thức, thực hiện đạt tỷ lệ tờ khai thông quan thủ tục Hải quan điện tử trong năm 2014 theo quy định.

- Ông có thể chia sẻ chi tiết về tiến độ thực hiện mục tiêu cải thiện và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Bình Dương tính đến thời điểm hiện nay?

Thời gian qua, việc triển khai thực hiện Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Bình Dương đã được lãnh đạo các ngành, các cấp quan tâm chỉ đạo thực hiện đồng bộ, nhiều giải pháp đã được đưa ra nhằm nâng cao chỉ số PCI trong năm 2014, một số kết quả trọng tâm như: Triển khai sử dụng máy soi hàng hoá xuất nhập khẩu bằng container di động, triển khai sử dụng chữ ký số, hệ thống thông tin điện tử tự động và cơ chế một cửa quốc gia (VNACCS/VCIS) của ngành Hải quan; Triển khai khai thuế qua mạng cho người nộp thuế, tiến tới triển khai dịch vụ thuế điện tử của Cục Thuế tỉnh; Chương trình xúc tiến thương mại, chương trình khuyến công, hỗ trợ kiểm toán năng lượng của Sở Công Thương được triển khai thực hiện ngày càng thiết thực và đi vào chiều sâu; Đưa trang thông tin điện tử của Sở Kế hoạch và Đầu tư đi vào hoạt động nhằm công khai, minh bạch mọi quy trình, thủ tục hành chính, hồ sơ, biểu mẫu và tiến độ xử lý hồ sơ của Sở. Áp dụng máy lấy số tự động và triển khai công tác đăng ký kinh doanh qua mạng.

Có thể nói, trong thời gian qua mọi khó khăn, vướng mắc của DN và nhà đầu tư đã được UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết thông qua các hội nghị đối thoại. Các chính sách hỗ trợ và phát triển DN đã được triển khai tích cực. Công tác cải cách thủ tục hành chính đã được cải thiện đáng kể, các dịch vụ công trực tuyến từng bước được triển khai, minh bạch hoá thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, cổng thông tin điện tử của tỉnh, website của một số Sở, Ban, ngành được vận hành thường xuyên; đào tạo lao động được thực hiện tốt; vai trò hoạt động của hệ thống pháp lý được nâng cao. Cộng đồng DN đã có sự quan tâm, đồng thuận trong quá trình triển khai các giải pháp của tỉnh trong việc cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh.

- Ông hi vọng PCI Bình Dương năm 2014 sẽ được đánh giá cải thiện ở những mặt nào?

Mặc dù đã có nhiều giải pháp tích cực để cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh và thu hút đầu tư, nhưng chất lượng các dịch vụ hỗ trợ DN vẫn chưa thật sự đáp ứng được kỳ vọng của DN, lao động chất lượng cao vẫn còn thiếu. Công tác cải cách hành chính đã được triển khai tích cực, các dịch vụ công đã được áp dụng tại một số đơn vị nhưng trên một số lĩnh vực hiệu quả chưa cao, tình trạng kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ vẫn còn diễn ra. Đây là những vấn đề còn tồn tại, đồng thời cũng là những vấn đề mà tỉnh Bình Dương sẽ tập trung các giải pháp thực hiện để cải thiện được tốt hơn trong thời gian sớm nhất. Hy vọng rằng với những giải pháp mà tỉnh tập trung thực hiện trong thời gian qua, PCI năm 2014 của tỉnh Bình Dương sẽ được cải thiện nhiều hơn so với năm 2013.

- Thời gian gần đây, Bình Dương không có dự án đăng ký vốn lớn của các tập đoàn đa quốc gia như ở một số dự án tại các tỉnh thành địa phương khác. Nguyên nhân do PCI không được đánh giá cao hay phải chăng vốn đầu tư FDI vào Bình Dương đã về điểm bảo hòa, thưa ông?

Năm 2014, mặc dù trong điều kiện kinh tế khó khăn, nhưng tỉnh Bình Dương đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu chủ yếu đã đề ra. Trong đó, thu hút đầu tư nước ngoài đạt 1 tỷ 655 triệu USD (đứng thứ 3 của cả nước sau Thái Nguyên và TP HCM). Lũy kế đến hết năm 2014, tổng vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh đạt 20 tỷ 380 triệu USD (Bình Dương là 1 trong 5 tỉnh thành đạt mức đầu tư FDI trên 20 tỷ USD).

Năm 2014, Bình Dương là 1 trong 5 tỉnh thành đạt mức đầu tư FDI trên 20 tỷ USD.

Trong những năm qua, Bình Dương đã thu hút được nhiều dự án đầu tư nước ngoài có số vốn đầu tư lớn. Đây là những dự án sẽ góp phần quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh hiện tại và trong tương lai. Điển hình như dự án khu đô thị mới Tokyu, các dự án của các DN như Cty TNHH Maruchi Sunsteel, Cty TNHH Sài Gòn Stec, Cty TNHH Wonderful Sài Gòn Electrics, AEON... Ngoài ra, Bình Dương cũng thu hút được nhiều dự án có số vốn khá lớn, tuy nhiên không có dự án của các tập đoàn đa quốc gia. Vấn đề này có nhiều nhân khác nhau, một mặt do tình hình kinh tế khó khăn chung hiện nay, mặt khác cũng có nhiều địa điểm lựa chọn khác cho các nhà đầu tư ở trong nước cũng như ở các nước khác. Điều này không liên quan đến PCI của Bình Dương cũng không phải vốn đầu tư FDI vào Bình Dương đã về điểm bảo hòa. - Kỳ vọng của lãnh đạo tỉnh nhà đối với PCI, với FDI và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2015?

Năm 2015 là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011 - 2015, dự báo nền kinh tế vẫn còn có nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với kết quả mà tỉnh Bình Dương đã phấn đấu, nỗ lực thực hiện đạt được trong những năm qua cùng với những định hướng đúng đắn và giải pháp mà UBND tỉnh đã đề ra cho năm 2015, nhất định Bình Dương sẽ thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh năm 2015. Đồng thời tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 10 (nhiệm kỳ 2015 – 2020). Đặc biệt, với sự chú trọng và nỗ lực không ngừng thực hiện các giải pháp để cải thiện chỉ số nâng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư, Bình Dương sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư, là nơi các nhà đầu tư có thể tin tưởng, triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định và phát triển lâu dài trong tương lai.

- Xin cảm ơn ông!

Quốc Chánh thực hiện

Theo Báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp ngày 01/02/2015