The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Bình Dương: Cải cách hành chính: Chuyển động theo hướng chính quyền số

Trong 8 tháng năm 2022, công tác cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực, chuyển động theo hướng chính quyền điện tử, chính quyền số. Từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở đang chuẩn bị các nguồn lực quan trọng, tạo bước đệm chuyển động, hiện đại hóa nền hành chính theo hướng chuyên nghiệp phục vụ doanh nghiệp (DN) và người dân.
Công tác giải quyết thủ tục hành chính ở Trung tâm Phục vụ hành chính công TP.Thủ Dầu Một còn nhiều thủ tục chưa được số hóa, người dân vẫn nộp hồ sơ trực tiếp
Nhiều bước đệm quan trọng
Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Sở Nội vụ, cho biết trong 8 tháng qua, công tác CCHC của tỉnh đạt được những kết quả tích cực. Các cơ quan, địa phương đã ban hành kế hoạch rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), nhóm TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết. Đến nay, 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của 3 cấp chính quyền được tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm Hành chính công tỉnh và bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của cấp huyện, cấp xã. Các đơn vị, địa phương thực hiện đầy đủ và đúng quy định về việc xin lỗi người dân, tổ chức khi để xảy ra trễ hẹn trong giải quyết hồ sơ TTHC. Đến nay, 100% đơn vị hành chính cấp huyện đã thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công.
Công tác chuyển đổi số (CĐS) được các cấp, các ngành quan tâm triển khai thực hiện. Sở Nội vụ luôn xác định rõ các nội dung, nhiệm vụ trọng tâm cần CĐS và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) năm 2022. Nhiều cơ quan, đơn vị thành lập Ban Chỉ đạo CĐS và xây dựng kế hoạch, đề án CĐS chuyên ngành, như: Giáo dục, y tế, nội vụ, nông nghiệp, công thương… Tỉnh đã tổ chức lễ công bố thành lập Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC). Các cơ quan, đơn vị của tỉnh đã khảo sát hiện trạng cơ sở dữ liệu, kết nối dữ liệu, tích hợp các phân hệ phần mềm và loại dữ liệu hiện đang quản lý để xây dựng các chỉ số hiển thị theo 14 lĩnh vực dự kiến thực hiện thí điểm đấu nối vào Trung tâm IOC.
UBND tỉnh cũng đã thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) về triển khai CĐS tỉnh Bình Dương đến năm 2025. Các ứng dụng CNTT đã được quan tâm, liên tục đầu tư và cải tiến, nhằm tạo ra nhiều phương tiện thuận lợi cho việc giao tiếp giữa người dân, DN với chính quyền ngày càng tốt hơn, giảm thời gian và chi phí cho người dân và DN. Cùng với đó, hạ tầng kỹ thuật phục vụ ứng dụng CNTT tại cơ quan hành chính các cấp được đầu tư nâng cấp đồng bộ, đáp ứng yêu cầu bảo đảm an toàn thông tin, bảo đảm điều kiện kỹ thuật, cung cấp các ứng dụng phục vụ người dân và DN…
Tập trung số hóa
Tại cuộc họp mới đây, ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới; giữ vững và nâng cao các Chỉ số PAPI, PCI, DTI, PAR INDEX; tiếp tục nâng cao hiện đại hóa nền hành chính theo hướng chuyên nghiệp phục vụ DN và người dân; đồng thời đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong CCHC, tập trung mua sắm trang thiết bị phục vụ cho lộ trình CĐS. Các địa phương cần chủ động xác định các lĩnh vực ưu tiên về CĐS gắn với nhu cầu nhiệm vụ cơ sở, phù hợp với đặc điểm tình hình, thực tiễn của đơn vị. Các sở ngành liên quan cần hoàn thiện kết nối liên thông Cổng Dịch vụ công của tỉnh với Cổng Dịch vụ công quốc gia…
Một số nhiệm vụ, đề án theo kế hoạch CCHC của tỉnh giai đoạn 2021-2025 và năm 2022 còn chậm. Nguyên nhân là có một số nội dung mới, cần nhiều thời gian nghiên cứu đặc biệt trong lĩnh vực số hóa. Số lượng hồ sơ phát sinh dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, mức độ 4 có chuyển biến, nhưng vẫn còn ít. Chưa nhiều người dân tạo tài khoản trên cổng dịch vụ công. Một số quy định của pháp luật không thực hiện TTHC trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 mà phải nộp bản chính hoặc đến trực tiếp cơ quan Nhà nước, như: Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thủ tục chuyển trường (học bạ bản chính), thủ tục đăng ký kết hôn, thủ tục nhận con nuôi phải ký trực tiếp.
Ngoài ra, việc chia sẻ, kết nối dữ liệu giữa phần mềm một cửa điện tử với các phần mềm chuyên môn, chuyên ngành của các sở, ban, ngành và các bộ, ngành còn chưa được thực hiện nên việc cập nhật dữ liệu còn thủ công. Cán bộ, công chức, viên chức phải thực hiện thao tác song song trên các phần mềm dẫn đến mất nhiều thời gian trong tiếp nhận và xử lý hồ sơ, ảnh hưởng đến kết quảgiải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh…
Trước những khó khăn này, UBND tỉnh yêu cầu tăng cường công tác tuyên truyền về CCHC đến cán bộ, công chức, người dân và DN; trong đó tập trung đẩy mạnh tuyên truyền về CĐS, sự thuận tiện của DVCTT mức độ 3, mức độ 4 trong giải quyết TTHC và dịch vụ bưu chính công ích; mở rộng tuyên truyền trên các trang mạng xã hội để tác động trực tiếp đến giới trẻ, hội nhóm... Cùng với đó tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của tỉnh trên tất cả các lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực đầu tư - xây dựng, phát triển DN, môi trường, đất đai, tư pháp, nội vụ, an sinh xã hội; tập trung rà soát các TTHC và các điều kiện bảo đảm để cung cấp trực tuyến toàn trình với các TTHC đủ điều kiện; ban hành kế hoạch triển khai không nhận hồ sơ giấy, thanh toán phí, lệ phí không dùng tiền mặt khi tiếp nhận và giải quyết DVCTT toàn trình trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông đẩy nhanh hoàn thành kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu từ cơ sở dữ liệu dùng chung của quốc gia và địa phương, đặc biệt là kết nối khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; kết nối, khai thác sử dụng các cơ sở dữ liệu đã được quốc gia chia sẻ như Cơ sở dữ liệu DN, Cơ sở dữ liệu hộ tịch; xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phần cứng, phần mềm liên thông để tiếp cận với mọi người dân, DN một cách nhanh nhất nhằm đáp ứng nhu cầu số hóa hồ sơ, giấy tờ, lưu trữ điện tử.