Bắc Trung Bộ đang trở thành 'thỏi nam châm' hút FDI
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là yếu tố đặc biệt quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, góp phần bổ sung vốn, công nghệ, năng lực quản lý, khả năng kinh doanh và giúp doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh.
Điểm nhấn thu hút FDI
Khu vực Bắc Trung Bộ được biết đến với tiềm năng lớn về tự nhiên cũng như vốn con người. Bởi vậy, không ngạc nhiên khi những năm qua, nơi đây trở thành cứ điểm lớn về thu hút FDI. Theo thống kê, trên địa bàn các tỉnh miền Trung hiện có 2.151 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký 60,77 tỷ USD. Trong đó, Thanh Hóa là địa phương dẫn đầu với 164 dự án, tổng vốn đăng ký lên tới 14,57 tỷ USD, chiếm 24% tổng vốn đăng ký của cả khu vực.
Tính hết năm 2021, Thanh Hóa đã thu hút được 89 dự án đầu tư trực tiếp, trong đó, có 8 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng số vốn đầu tư đăng ký 24.015 tỷ đồng và 112,7 triệu USD. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2022, tỉnh Thanh Hoá thu hút được 45 dự án đầu tư trực tiếp, với tổng số vốn đầu tư đăng ký 10.733 tỷ đồng và 41 triệu USD.
Các dự án FDI đầu tư hiệu quả tại Thanh Hoá phải kể đến như: nhà máy xi măng Nghi Sơn, lọc hóa dầu Nghi Sơn và các dự án của tập đoàn Hong Fu. Các dự án đi vào hoạt động, đã giải quyết khoảng gần 72.000 lao động thường xuyên và hàng nghìn lao động khác có cơ hội tiếp cận việc làm với thu nhập cao, ổn định.
Nói về quyết sách thu hút được dòng vốn FDI vào địa phương, ông Nguyễn Văn Thi, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, chia sẻ: “Chúng tôi sẽ đồng hành, trước, trong và sau đầu tư. Tỉnh sẽ hỗ trợ toàn diện về các thủ tục pháp lý cũng như các vấn đề liên quan đến đầu tư, làm sao để các doanh nghiệp khi tới đây sẽ nhận thấy mọi thứ rất thuận lợi. Chúng tôi luôn nhắc đến một quan điểm nhất quán đó là, Thanh Hóa vì sự phát triển của doanh nghiệp, nhà đầu tư, song nhà đầu tư cũng phải vì sự phát triển của Thanh Hóa”.
Song hành cùng Thanh Hóa, với hơn 13,7 tỷ USD vốn FDI thu hút được, Hà Tĩnh có 76 dự án triển khai tại địa bàn đến từ 21 quốc gia, phân bổ vào 25 ngành, nghề. Các dự án FDI đầu tư vào Hà Tĩnh chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như sản xuất, chế biến lâm sản; hóa chất; các sản phẩm trong lĩnh vực năng lượng; công nghiệp phụ trợ sau thép...
Nhiều doanh nghiệp lớn chọn Hà Tĩnh đầu tư các dự án lớn phải kể đến như: khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh có tổng mức đầu tư đã điều chỉnh trên 12,7 tỷ USD; nhà máy nhiệt điện Vũng Áng I có tổng mức đầu tư 1,595 tỷ USD; nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 2 tổng mức đầu tư hơn 2,5 tỷ USD; các dự án bến cảng thuộc cảng Vũng Áng, dự án tổng kho xăng dầu và khí hóa lỏng Bắc Trung Bộ công suất 70 nghìn tấn/năm...
Về chiến lược thu hút FDI trong thời gian tới, ông Nguyễn Hồng Lĩnh – Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, cho hay tỉnh tập trung thu hút đầu tư theo hướng ưu tiên các dự án có sản phẩm chứa hàm lượng giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao; các dự án sản xuất điện gió, điện quang, điện sinh học; các dự án xử lý rác thải, nước thải tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp… Trong đó, ưu tiên các dự án công nghệ cao, công nghệ tiên tiến từ các nước công nghiệp phát triển như: Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc…
“Hiện Hà Tĩnh đang áp dụng chính sách ưu đãi cụ thể cho các nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, các vấn đề quan trọng nhất là thuế và đất cho thuê trong một số lĩnh vực đặc biệt như ngành công nghiệp sản xuất công nghệ cao khác”- ông Lĩnh nói.
Với tỉnh Nghệ An, thu hút dòng vốn FDI hiện nay đang được xem là một điểm sáng của khu vực Bắc Trung Bộ nói riêng và cả nước nói chung. 6 tháng đầu năm 2022 tỉnh Nghệ An lọt top 10 địa phương thu hút vốn FDI lớn nhất cả nước. Tính đến cuối tháng 6/2022, Nghệ An thu hút đầu tư được 50 dự án cấp mới và điều chỉnh 59 lượt dự án. Tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 26.435,4 tỷ đồng, trong đó vốn cấp mới là 13.256,7 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2021, số dự án cấp mới tăng 13,64%, tổng vốn cấp mới tăng 1,68 lần.
Một số dự án lớn được cấp mới và điều chỉnh trong kỳ như: đầu tư xây dựng khu nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động làm việc trong khu công nghiệp Nam Cấm tại vị trí số 3 và số 4 với tổng mức đầu tư 6.880 tỷ đồng; nhà máy chế biến lâm sản, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu tại khu D - khu công nghiệp Nam Cấm với với tổng mức đầu tư 1.277 tỷ đồng; điều chỉnh tổng mức đầu tư 2 nhà máy chế tạo các sản phẩm điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện tại khu công nghiệp WHA của Công ty TNHH Công nghiệp chính xác Goertek Vina tăng 400 triệu USD…
Có được kết quả đó là nhờ những nỗ lực lớn trong công tác xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, ưu tiên bố trí vốn; triển khai kịp thời, đồng bộ các cơ chế, chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp; thường xuyên giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư tại chỗ, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Nghệ An cũng đang xây dựng phần mềm quản lý dự án đầu tư, dự kiến đưa vào vận hành trong tháng 9/2022; xây dựng sổ tay hướng dẫn quy trình thực hiện dự án đầu tư, quy chế phối hợp quản lý dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Đức Trung – Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, cho biết: thu hút được dòng vốn đầu tư lớn từ các nhà đầu tư FDI là kết quả thể hiện sự bứt phá của Nghệ An trong công tác thu hút đầu tư nói chung và thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nói riêng, đồng thời cho thấy Nghệ An thực sự đã trở thành điểm đến tiềm năng và tin cậy với doanh nghiệp, nhà đầu tư FDI hiện nay, không còn là “vùng trũng” thu hút FDI như trước.
Tại Quảng Trị, thu hút dòng vốn FDI thời những năm qua cũng đã có nhiều bước tiến và dần hình thành cực phát triển của khu vực Bắc Trung Bộ khi có hàng loạt dự án lớn từ nước ngoài đầu tư vào tỉnh này. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 19 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là 2.488,71 triệu USD. Trong đó có 12 dự án hoạt động với tổng vốn đầu tư đăng ký là 40,07 triệu USD và 7 dự án đang triển khai xây dựng với tổng số vốn đăng ký là 2.448,64 triệu USD.
Đã có nhiều tập đoàn, công ty lớn, có uy tín trên thế giới đến khảo sát, làm việc và tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh Quảng Trị. Trong số đó, tiêu biểu là các dự án FDI đã được cấp chủ trương đầu tư và đang tiến hành thủ tục đầu tư, khởi công xây dựng, bao gồm: trung tâm điện khí LNG Hải Lăng - giai đoạn 1 (1500MW) do tổ hợp liên doanh các nhà đầu tư Tập đoàn T&T (Việt Nam) – Hanwha– KOSPO – KOGAS (Hàn Quốc) thực hiện; khu công nghiệp Quảng Trị của liên doanh VSIP-Amata- Sumitomo; điện khí 340MW của Công ty Gazprom International thuộc tập đoàn Gazprom (Nga)…
Ông Nguyễn Đức Tân – Giám đốc Trung tâm xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Du lịch tỉnh Quảng Trị, cho biết tình hình thu hút đầu tư của tỉnh Quảng Trị trong những năm gần đây hết sức ấn tượng. Các hoạt động chương trình xúc tiến đầu tư đã được xây dựng bài bản hơn, bám sát các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, phù hợp với tình hình thực tế mới, đảm bảo thu hút các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước vào địa bàn tỉnh theo đúng định hướng phát triển kinh tế xã hội tỉnh.
Nhìn chung, các dự án FDI luôn được 6 tỉnh đánh giá cao vì đa số hoạt động hiệu quả, triển khai đúng tiến độ, tốc độ giải ngân cao, đóng góp chủ yếu vào giá trị sản lượng công nghiệp, xuất nhập khẩu, thu ngân sách… trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Theo VietnamFinance