The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Bắc Ninh: HĐND tỉnh giám sát tại các địa phương, đơn vị

Ngày 7-6, Đoàn giám sát của Ban Kinh tế- Ngân sách HĐND tỉnh Bắc Ninh do đồng chí Vũ Minh Hiếu, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách làm Trưởng Đoàn tiến hành giám sát tại huyện Quế Võ về việc thực hiện Nghị quyết số 147 ngày 6-12-2018 của HĐND tỉnh về việc ban hành Quy định hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Cùng dự có đồng chí Trần Thị Hằng, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh.
Thực hiện Nghị quyết số 147 của HĐND tỉnh, huyện Quế Võ đẩy mạnh tuyên truyền các nội dung của Nghị quyết thông qua nhiều hình thức để người dân tiếp cận và hưởng lợi từ chính sách. Từ năm 2019 đến hết năm 2021, huyện thực hiện hỗ trợ hơn 59 tỷ đồng, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, tăng cường ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và xúc tiến thương mại. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Nghị quyết 147 còn một số hạn chế: Diện tích canh tác manh mún và kế hoạch sản xuất của các hộ nông dân thường phát sinh dẫn đến việc xây dựng dự toán gặp nhiều khó khăn; định mức hỗ trợ kho lạnh bảo quản nông sản thấp nên hạn chế khuyến khích người dân đầu tư xây dựng; thủ tục hồ sơ hỗ trợ nguồn vốn phức tạp…
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trần Thị Hằng đề nghị huyện Quế Võ tiếp tục tuyên truyền các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp; tăng cường tập huấn, hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục hỗ trợ; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc triển khai các nội dung hỗ trợ; công khai kinh phí hỗ trợ, đối tượng được hỗ trợ, phát huy vai trò giám sát của nhân dân trong thực hiện Nghị quyết; vận động người dân chuyển đổi quy mô, ứng dụng cơ giới hóa, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm, thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương.
Kết luận giám sát, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Vũ Minh Hiếu đánh giá cao kết quả triển khai Nghị quyết 147 của huyện Quế Võ. Đề nghị huyện đánh giá sâu hơn tác động của chính sách đối với sản xuất nông nghiệp, nông thôn, khó khăn trong quá trình thực hiện và những kiến nghị, đề xuất điều chỉnh Nghị quyết, để Ban xây dựng báo cáo thẩm tra trình HĐND tỉnh xem xét, ban hành chính sách mới bảo đảm sát thực và phù hợp với thực tiễn.
* Ngày 7-6, Ban Pháp chế HĐND tỉnh giám sát tại Viện KSND huyện Thuận Thành và Viện KSND huyện Yên Phong về công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp từ ngày 1-1-2019 đến ngày 31-12-2021.
Đoàn giám sát nghe báo cáo, chất vấn, làm rõ những kết quả đạt được, những hạn chế, vướng mắc và nguyên nhân trong việc thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp của 2 đơn vị. Qua giám sát cho thấy, 2 đơn vị triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác kịp thời, bám sát nhiệm vụ trọng tâm của ngành và nhiệm vụ chính trị của cấp uỷ địa phương; kiểm sát chặt chẽ từ việc tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố; điều tra, xét xử các vụ án hình sự; kiểm sát chặt chẽ việc giải quyết các vụ, việc dân sự, hôn nhân gia đình, hành chính, kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật; công tác kiểm sát thi hành án hình sự và thi hành án dân sự thực hiện có hiệu quả, tuân thủ đúng các quy định của pháp luật; chú trọng phát hiện các vi phạm của các cơ quan có trách nhiệm để kịp thời kiến nghị yêu cầu khắc phục. Kết quả các mặt công tác của cả 2 đơn vị đều đạt cao. Tỷ lệ truy tố đạt 100%, không để xảy ra tình trạng án quá hạn, gia hạn điều tra, truy tố, xét xử; không có trường hợp đình chỉ vì không cấu thành tội phạm; không có trường hợp Viện KSND truy tố nhưng Toà án tuyên không phạm tội; tỷ lệ án trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng giảm dần qua các năm, từ đó góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn các huyện.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp của 2 đơn vị còn một số hạn chế. Nguyên nhân một phần xuất phát từ yếu tố chủ quan nhưng chủ yếu xuất phát từ những bất cập, thay đổi trong hệ thống pháp luật dẫn đến việc phải hoàn hồ sơ để điều tra bổ sung; tại các địa phương có mức độ phát triển kinh tế - xã hội nhanh kéo theo nguy cơ gia tăng về vi phạm pháp luật và tội phạm, trong khi đó số lượng kiểm sát viên có hạn nên ảnh hưởng đến chất lượng công tác.
Các đơn vị được giám sát có những kiến nghị, đề xuất với tỉnh và trung ương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động: Tập huấn chuyên sâu về nghiệp vụ kiểm sát trong lĩnh vực giải quyết án kinh tế, tham nhũng, chức vụ, tội phạm công nghệ cao; các ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tinh thần cảnh giác đối với tội phạm trong quần chúng nhân dân; tăng cường công tác kiểm tra, quản lý nhà nước đối với một số hoạt động, dịch vụ nhạy cảm dễ phát sinh gây mất an ninh trật tự như quán bar, dịch vụ cầm đồ… nhằm phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật.
Đoàn giám sát ghi nhận kết quả đạt được; tiếp thu các kiến nghị, đề xuất của 2 đơn vị được giám sát. Đồng thời, chỉ rõ những nội dung 2 đơn vị cần thực hiện để nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp thời gian tới.