The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Bạc Liêu: Làm gì để tránh tình trạng doanh nghiệp bị kiểm tra chồng chéo

Thanh tra, kiểm tra là một trong những hoạt động cần thiết nhằm đảm bảo kỷ cương và pháp luật được thực hiện nghiêm. Tuy nhiên, hoạt động thanh tra, kiểm tra quá nhiều, thậm chí chồng chéo nhau cũng gây phiền hà, bức xúc, trở thành gánh nặng cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.
UBND tỉnh tham luận tại cuộc họp trực tuyến với Thanh tra Chính phủ liên quan đến các hoạt động thanh tra, kiểm tra.Ảnh: K.P
Năm 2022, theo số liệu báo cáo, Thanh tra các sở, ban, ngành trong toàn tỉnh đã tổ chức 541 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với 1.820 tổ chức, cá nhân, so với năm 2021 tăng 207 cuộc. Qua đó phát hiện 402 tổ chức, cá nhân vi phạm. Bên cạnh những lợi ích từ việc thanh tra, kiểm tra đem lại, thì một vấn đề nổi lên cũng không kém phần nan giải, chính là tình trạng quá nhiều đoàn kiểm tra cùng kiểm tra một doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Không ít doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cảm thấy bị phiền hà, bị áp lực khi phải liên tục tiếp các đoàn kiểm tra của các sở, ngành, rồi tới thanh tra liên ngành.
Liên quan đến vấn đề này, ở Trung ương, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, không được thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp quá 1 lần/năm, không làm cản trở hoạt động bình thường của doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn tình trạng doanh nghiệp bị thanh tra, kiểm tra nhiều lần. Cùng kiểm tra về an toàn vệ sinh thực phẩm, hết thanh tra của Sở Y tế đến Thanh tra Sở NN&PTNT rồi đến đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh; vừa đón đoàn kiểm tra cấp tỉnh xong thì cấp huyện, thị, thành phố cũng có kế hoạch kiểm tra y như vậy.
Các hoạt động thanh tra, kiểm tra với tần suất quá nhiều, cách thức thực hiện quá phiền hà gây phát sinh chi phí cho doanh nghiệp, làm gián đoạn công việc kinh doanh và triệt tiêu khả năng cạnh tranh, gây ức chế cho lãnh đạo doanh nghiệp.
Mới đây, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ thanh tra năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều cũng đã chỉ đạo ngành Thanh tra nói chung, thanh tra các sở, ngành, địa phương cần thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Kế hoạch 120/KH-UBND của UBND tỉnh về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp. Xử lý kịp thời các trường hợp chồng chéo nội dung, đối tượng thanh tra, nhất là việc thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, giảm chi phí cho doanh nghiệp, góp phần nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật cấp tỉnh (B1).
Để khắc phục thực trạng trên, Luật Thanh tra đã có những quy định đầy đủ, cụ thể để xử lý chồng chéo, trùng lặp từ khâu lập kế hoạch; trong quá trình tiến hành hoạt động thanh tra và giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán nhà nước. Cụ thể, quy định mỗi bộ, ngành, địa phương chỉ có một kế hoạch thanh tra hằng năm do Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh ban hành. Kế hoạch thanh tra của bộ, ngành, địa phương được xây dựng trên cơ sở định hướng chương trình thanh tra và hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ. Để chống chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán nhà nước, Luật Thanh tra quy định cụ thể về trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước.