The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Bắc Kạn: Cần một cơ chế mở

Nhiều quan tâm

Thực tế, không tính tới chế biến gỗ thì không phải không có các nhà đầu tư quan tâm tới phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản ở Bắc Kạn. Đơn cử như đối với cây dong riềng, khi toàn Đảng bộ vào cuộc với nhiều cơ chế hỗ trợ từ nhiều nguồn kinh phí lồng ghép khác nhau, hàng loạt cơ sở chế biến, nhà máy đã ra đời. Dù rằng vẫn còn nhiều hạn chế nhưng rõ ràng cây dong riềng tại Bắc Kạn đã có một vị trí mới và bản thân người trồng đã thu được hiệu quả kinh tế khá cao.

Hay như dự án trồng và tiêu thụ gừng do Doanh nghiệp tư nhân xuất khẩu và chế biến nông sản Minh Bê thực hiện. Doanh nghiệp đầu tư hỗ trợ và bao tiêu sản phẩm gừng của người dân trên địa bàn Pác Nặm, đồng thời đầu tư xây dựng nhà xưởng, thiết bị để mở rộng sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm. Dự án có tổng kinh phí đầu tư trên 10 tỷ đồng; trong đó doanh nghiệp đối ứng gần 6 tỷ đồng, kinh phí từ Quỹ Xúc tiến đầu tư kinh doanh nông, lâm nghiệp (APIF) hỗ trợ trên 4 tỷ đồng. Qua thực tế sản xuất, đã đem lại hiệu quả thiết thực, đem lại thu nhập đáng kể cho người dân; các hộ tham gia đã thu được trung bình từ 10 - 13 triệu đồng từ trồng gừng, thậm chí có hộ thu được 20 triệu đồng.

Mới đây nhất, một nhà đầu tư đã xin đầu tư một dây chuyền chế biến gỗ ván thanh tại Cụm công nghiệp Pù Pết (Ngân Sơn) sử dụng nguyên liệu đầu vào là gỗ thông tận dụng từ rừng trồng tại địa bàn. Việc chế biến nông sản ngô thành thức ăn gia súc cũng đã là vấn đề được nhiều cử tri ở các địa bàn quan tâm và được đưa ra bàn thảo tại kỳ họp HĐND tỉnh cuối năm 2014. Nhiều siêu thị, trung tâm thương mại ở các thành phố lớn cũng quan tâm tới việc đưa sản phẩm hồng không hạt, quýt Bắc Kạn vào hệ thống nhưng không được do những sản phẩm này không có công nghệ bảo quản.

Trong năm 2015, Bắc Kạn tiếp tục có những chuyển biến mới rất tích cực trong hạ tầng và du lịch. Tỉnh đang tập trung lập quy hoạch phát triển hạ tầng Khu Công nghiệp Thanh Bình giai đoạn II. Qua khảo sát thực tế, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh đã đề nghị mở rộng hạ tầng giai đoạn II tại khu vực phía Đông khu công nghiệp với diện tích khoảng 59ha để đảm bảo khai thác tối ưu những công trình hạ tầng đã được đầu tư xây dựng như điện, nước, giao thông. Dự án đường cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) đã khởi công và dự kiến hoàn thành vào năm 2016. Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn bắt đầu triển khai dự án du lịch hồ Ba Bể với số vốn giai đoạn I hơn 100 tỷ đồng.

Theo Quyết định số 320/QĐ-UBND ngày 25/2/2014 của UBND tỉnh Bắc Kạn về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2010 - 2020, có xét đến năm 2025, toàn tỉnh sẽ phát triển 21 cụm công nghiệp, trong đó huyện Chợ Đồn 5 cụm, Chợ Mới 3 cụm, thị xã Bắc Kạn 3 cụm, huyện Ba Bể 3 cụm, huyện Pác Nặm 3 cụm, huyện Na Rì 2 cụm , huyện Ngân Sơn 2 cụm, huyện Bạch Thông 1 cụm; tổng diện tích các cụm công nghiệp là gần 500ha, tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 3.549 tỷ đồng, thu hút khoảng 39.112 lao động. Việc có các cụm công nghiệp sẽ tạo điều kiện lớn cho phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản ở quy mô trung bình trở lên.

Tiếp tục thu hút đầu tư

Tỉnh ủy Bắc Kạn đã ban hành Nghị quyết về phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2011 – 2015. UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa Bắc Kạn giai đoạn 2012 - 2020, định hướng đến năm 2030. Trong đó đều nhấn mạnh tới ưu tiên công nghiệp chế biến nông, lâm sản.

Đồng chí Trần Văn Cường- Phó Giám đốc Sở Công thương Bắc Kạn cho biết, nhiều tỉnh đã ban hành chính sách ưu đãi khuyến khích phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Đối với Bắc Kạn, trọng tâm trong khuyến khích phát triển vẫn sẽ là ưu tiên đối với công nghiệp chế biến, bảo quản nông - lâm - thuỷ sản; sản xuất máy móc, thiết bị, công cụ phục vụ thu hoạch, chế biến, bảo quản các sản phẩm nông, lâm nghiệp; sản xuất phân bón (phân đạm, phân lân, phân hỗn hợp, phân vi sinh), chế biến thức ăn chăn nuôi; các ngành, nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống: làm hàng mây, tre, trúc, dệt thổ cẩm, đồ gỗ từ nguồn nguyên liệu tận dụng; sản xuất sản phẩm sử dụng nguyên liệu tại chỗ, sử dụng từ 50 lao động trở lên.

Trong những năm qua, vị trí xếp hạng của Bắc Kạn trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) chưa cao. Điều này phản ánh thực tế Bắc Kạn đang còn có những hạn chế nhất định trong chính sách, cơ chế đối với môi trường đầu tư kinh doanh. Do đó, để thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn thì cần thực hiện đồng bộ Kế hoạch số 141/KH-UBND của UBND tỉnh về "Hành động cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh Bắc Kạn".

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững". Triển khai đề án này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành đề án và kế hoạch hành động "Nâng cao giá trị gia tăng hàng nông, lâm thủy sản trong chế biến và giảm tổn thất sau thu hoạch". Theo đề án này, đến năm 2030, Nhà nước sẽ cùng với các doanh nghiệp đầu tư theo hướng gia tăng các ngành hàng nông, lâm thủy sản phải tăng bình quân 20%, giảm tổn thất sau thu hoạch 50% so với hiện nay. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư sâu hơn trong các phân khúc có giá trị gia tăng cao như chế biến, thương mại trong chuỗi giá trị hàng hóa nông sản. Như vậy, chủ trương phát triển công nghiệp nông, lâm sản đã được thống nhất từ Trung ương tới địa phương.

Để thu hút đầu tư vào lĩnh vực này thì cần minh bạch và đơn giản hóa thủ tục hành chính để các doanh nghiệp dễ dàng hình thành dự án và triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, cần có cơ chế khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp áp dụng rộng rãi hơn các tiêu chuẩn nhằm đáp ứng tốt nhất các yêu cầu về chất lượng an toàn thực phẩm; tạo ra chuyển biến rõ rệt về chất lượng và vượt qua được các rào cản kỹ thuật của thị trường.

Nhiều ý kiến cho rằng, vùng nguyên liệu các nông sản của Bắc Kạn không đủ đáp ứng cho xây dựng các nhà máy chế biến. Điều đó đúng với lý thuyết về chế biến nhưng trên thực tế vẫn có những mặt hàng nông sản sau chế biến đắt đỏ vì số lượng không nhiều. Cho đến nay Bắc Kạn chưa có quy định về chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp là điều cần được quan tâm xem xét. Vì có công nghiệp chế biến thì sản xuất nông nghiệp mới ổn định tiêu thụ và có thể nâng dần quy trình sản xuất bảo đảm số lượng, chất lượng./.

Tuấn Sơn

Theo Baobackan.org.vn ngày 14/01/2015