Ông Trương Minh Thuần, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh An Giang, cho biết từ năm 2016, An Giang triển khai thực hiện chương trình chuyển đổi số nhằm khai thác tối ưu về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước cũng như phục vụ cuộc sống hằng ngày của người dân.

Người dân là trung tâm

Trong đó, An Giang ưu tiên đầu tư vào các lĩnh vực như nông nghiệp, du lịch, y tế, giáo dục, tài chính – ngân hàng, năng lượng, tài nguyên và môi trường, giao thông vận tải và logistics.

An Giang đẩy mạnh chính quyền số phục vụ dân - Ảnh 1.

Ông Trương Minh Thuần là người có công lớn trong thực hiện chương trình chuyển đổi số ở An Giang.

Qua gần 5 năm thực hiện, An Giang đã đạt nhiều kết quả quan trọng như hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin phát triển đồng bộ, rộng khắp với các giải pháp, phần mềm được ứng dụng hiệu quả, rộng rãi trong nhiều lĩnh vực. Mạng truyền số liệu chuyên dùng An Giang đã triển khai đến tất cả 156 xã, phường, thị trấn; 100% cơ quan ban ngành trong toàn tỉnh được kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng phục vụ cơ quan, nhà nước, đảm bảo tổ chức hội nghị truyền hình từ Văn phòng Chính phủ, các bộ ngành đến các UBND huyện, thị, thành phố.

Tỉnh đã triển khai hệ thống dịch vụ hành chính công trực tuyến tích hợp một cửa điện tử liên thông 17 sở, ngành, 11/11 UBND huyện, thị xã, thành phố, 156 xã phường. Đến nay, tỉ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của tỉnh đạt 73,10%, tỉ lệ giải quyết hồ sơ trước hạn và đúng hạn 97%. Từ đó góp phần nâng kết quả chỉ số cải cách hành chính. Nếu như năm 2017, An Giang xếp hạng 8/63 tỉnh, thành phố cả nước (tăng 28 bậc so với năm 2016) thì đến năm 2019 đã xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố về chỉ số hiện đại hóa nền hành chính.

Kết quả này, đã đưa An Giang thuộc nhóm A và đứng đầu 13 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL. Nhờ vậy mà trong năm 2019 vừa qua, An Giang được xếp thứ 21/63 tỉnh, thành phố trong cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và thuộc nhóm điều hành khá.

An Giang đẩy mạnh chính quyền số phục vụ dân - Ảnh 2.

Nhiều đơn vị viễn thông đã ký kết đồng hành cùng An Giang trong việc xây dựng chính quyền số cùng rất nhiều lĩnh vực khác.

"Hiện, An Giang có một cổng thông tin điện tử tỉnh và 33 cổng thông tin điện tử thành phần (22 sở, ban, ngành và 11 UBND huyện, thị xã, thành phố) để cung cấp thông tin hoặc tuyên truyền thường xuyên các hoạt động chuyên ngành, cải cách hành chính, quản lý nhà nước. Đặc biệt, hệ thống phần mềm một cửa điện tử của tỉnh có chức năng thống kê kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) nên người dân và doanh nghiệp có thể tra cứu tình trạng cũng như kết quả giải quyết hồ sơ TTHC. Đây cũng được xem là kênh cung cấp thông tin chính thống của các cơ quan nhà nước phục vụ người dân, doanh nghiệp tiếp cận và nắm bắt các thông tin. Từ đó, giúp người dân và doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian cũng như chi phí trong công việc thường ngày"- ông Thuần chia sẻ.

Theo Báo Người Lao động