Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) được xem là một công cụ chính sách hữu ích, đánh giá hiệu quả vấn đề bảo vệ môi trường. Cùng với chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), PGI góp phần thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thân thiện môi trường, đảm bảo phát triển bền vững.

Lâm Đồng đã có nhiều chính sách khuyến khích phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh bền vững theo hướng đầu tư xanh và đổi mới có chất lượng cao.

Đồng bộ giải pháp phát triển bền vững

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI đã xác định, phát triển toàn diện, nhanh và bền vững là mục tiêu chiến lược của tỉnh.

Tại Quyết định số 946/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ cũng đã đặt ra quan điểm phát triển cho tỉnh Lâm Đồng: Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lâm Đồng nhanh, toàn diện và bền vững, trên cơ sở tăng cường liên kết vùng, lấy liên kết là nền tảng phát triển; xây dựng Lâm Đồng trở thành một khu vực kinh tế động lực của vùng Tây Nguyên; góp phần tạo tiền đề tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển kinh tế - xã hội theo chiều sâu, chú trọng chất lượng tăng trưởng để đảm bảo tính bền vững tăng trưởng xanh.

Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 152/NQ-CP ngày 15/11/2022 của Chính phủ xác định Lâm Đồng là khu vực kinh tế động lực của Tiểu vùng Nam Tây Nguyên; tập trung phát triển ngành dịch vụ, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp khai thác, chế biến bauxit, alumin, công nghiệp chế biến nhôm…

Với định hướng tăng trưởng theo hướng phát triển xanh là nội dung cơ bản không thể tách rời trong các chủ trương, định hướng để phát triển kinh tế xã hội nhanh và bền vững, hỗ trợ tái cơ cấu nền kinh tế của tỉnh để đạt được cơ cấu dịch vụ - nông nghiệp - công nghiệp vào năm 2030 và dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp sau năm 2030. Ngày 12/01/2021, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quyết định số 68/QĐ-UBND phê duyệt kế hoạch hành động tăng trưởng xanh tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021-2030; trong đó có 06 lĩnh vực chính để tập trung gồm: Nông nghiệp, lâm nghiệp, du lịch, năng lượng, giao thông vận tải và tài nguyên nước.

Kế hoạch tăng trưởng xanh tỉnh Lâm Đồng đã triển khai, áp dụng một số công cụ kỹ thuật nhằm lượng hóa chỉ tiêu phát thải khí nhà kính, các chỉ tiêu về xanh hoá sản xuất, xanh hoá lối sống và thúc đẩy tiêu dùng, bảo tồn vốn tự nhiên và các dịch vụ hệ sinh thái.

Ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng, quan điểm của tỉnh Lâm Đồng là không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế, vì vậy tỉnh ưu tiên các dự án nông nghiệp sạch, bảo vệ môi trường, công nghệ cao. Tỉnh cũng kiên quyết không đưa vào vận hành các dự án chưa hoàn thiện các thủ tục bảo vệ môi trường, việc kêu gọi thu hút đầu tư cần phải xanh hơn, công nghệ cao hơn để mang lại giá trị gia tăng tốt hơn.

Tiếp tục cải thiện chỉ số PGI

Với đạt mục tiêu đề ra, tỉnh Lâm Đồng đã triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung vào các giải pháp về quy hoạch để tạo không gian phát triển mới, thúc đẩy phát triển toàn diện; cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển dịch cây trồng, vật nuôi có năng suất, giá trị cao; phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu, hạn chế và đi đến cắt giảm diện tích nhà kính, nhà lưới trên địa bàn tỉnh; xây dựng và thực hiện tốt các cơ chế, chính sách thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển, tăng cường hợp tác công tư, chú trọng các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong nước, quốc tế và theo hướng xanh, phát triển bền vững...

Trong những năm qua, kinh tế xã hội Lâm Đồng có những bước phát triển đáng ghi nhận, thể hiện trên các mặt: nền kinh tế có quy mô khá so với vùng, năm 2022 đạt 115.000 tỷ đồng; thu ngân sách năm 2022 đạt 13.383 tỷ đồng; kinh tế nông nghiệp công nghệ cao phát triển, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh và nông nghiệp tuần hoàn được quan tâm phát triển; công nghiệp chế biến không ngừng tăng trưởng... Năm 2023, kinh tế Lâm Đồng tiếp tục tăng trưởng với tốc độ tăng GRDP trong 9 tháng đạt 5,14%. Các lĩnh vực dịch vụ du lịch, nông nghiệp… của Lâm Đồng đã trở thành điểm sáng trong tăng trưởng xanh.

Năm 2022, PGI của Lâm Đồng đạt 14,47/40 điểm, xếp thứ 36 cả nước và đứng hạng 2 ở khu vực Tây Nguyên. Kết quản này đã khẳng định những nỗ lực của các cấp chính quyền tỉnh Lâm Đồng trong định hướng, khuyến khích phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh bền vững theo hướng đầu tư xanh và đổi mới có chất lượng cao, chú trọng các vấn đề môi trường bên cạnh sự phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh.

Theo lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, vấn đề phát triển kinh tế xanh, bền vững là một trong những định hướng chiến lược của tỉnh. Vì vậy, trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục có những giải pháp cụ thể để nâng cao thứ hạng chỉ số PGI. Đồng thời, ưu tiên thu hút đầu tư vào một số lĩnh vực thế mạnh như nông nghiệp, công nghiệp chế biến, du lịch. Một số khu vực có tiềm năng thu hút đầu tư như: KCN Phú Bình với quy mô 246ha; Khu du lịch hồ Prenn với quy mô 1.000ha, Khu du lịch Núi Sapung với quy mô 432ha; khôi phục tuyến đường sắt Đà Lạt – Tháp Chàm và một số dự án phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị tại thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc và một số địa phương trên địa bàn tỉnh.

Theo Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp