Provincial Green Index

Chỉ Số Xanh Cấp Tỉnh

English

Bắc Ninh: Chuyển đổi để thích ứng tốt hơn xu hướng toàn cầu

Trước yêu cầu của thực tiễn, vấn đề tăng trưởng xanh là một nhu cầu tự thân của mỗi quốc gia, mỗi địa phương. Cho nên hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của các địa phương ngày nay đang ở trong quá trình chuyển đổi để thích ứng tốt hơn trước các xu hướng toàn cầu. Với 2 xu hướng phổ biến đó là thích ứng tốt hơn trước các nguy cơ mới đặc biệt là biến đổi khí hậu (BĐKH) và xu hướng kinh doanh xanh hơn, gắn kết kinh doanh với bảo vệ môi trường.

Đối với xu hướng thích ứng tốt hơn, sau hai năm chịu tác động bởi dịch COVID-19 đã cho thấy ảnh hưởng của dịch bệnh tới thế giới lớn như thế nào và rất khó đoán định. Không chỉ dịch bệnh, biến đổi khí hậu (BĐKH) cũng tạo ra những tổn thương nghiêm trọng đến nhiều quốc gia, địa phương. Vì thế các hoạt động đầu tư kinh doanh cần phải trong tâm thế và tinh thần cần phải thích ứng tốt hơn với những thay đổi và nguy cơ. Còn xu hướng phát triển xanh hơn, là bước đi tất yếu của cả thế giới, là trách nhiệm của các quốc gia, doanh nghiệp, người dân. Phát triển xanh phải nằm trong mọi yếu tố của quá trình phát triển để chung tay bảo vệ môi trường, giảm tác động của BĐKH. Bắc Ninh là trung tâm công nghiệp lớn của cả nước, nhưng đất lại chật, người đông cho nên trong mỗi giai đoạn phát triển tỉnh đều tính toán, cân đối những bước đi phù hợp làm sao vừa phát huy lợi thế của địa phương (về văn hóa, địa kinh tế, địa chính trị…), song lại khắc chế được những yếu điểm, để phát triển cân bằng hài hòa không đánh đổi môi trường lấy kinh tế. Tỉnh Bắc Ninh có quan điểm xuyên suốt trong việc vận dụng Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, quy định pháp luật của Nhà nước đối với phát triển các KCN phải gắn liền với công tác bảo vệ môi trường. Luôn xác định phát triển công nghiệp gắn với giảm thiểu ô nhiễm môi trường là nhiệm vụ quan trọng, là điều kiện để thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh theo định hướng nhanh, bền vững. Tỉnh có nhiều nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng nhanh và bền vững, gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH. Trong đó, thể hiện rõ quan điểm: Không cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án công nghệ lạc hậu, có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường; khuyến khích các doanh nghiệp đưa công nghệ mới vào sản xuất, nhất là công nghệ thân thiện với môi trường. Sau hơn 25 năm, tỉnh Bắc Ninh có 16 KCN tập trung, trong đó 12 KCN đã đi vào hoạt động thu hút hơn 24,2 tỷ USD vốn đầu tư của các doanh nghiệp đến từ 39 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó 11 KCN lắp đặt hệ thống quan trắc, giám sát môi trường tự động. Công tác bảo vệ môi trường tại các KCN đi vào quy củ, kịp thời giải quyết kiến nghị, vướng mắc của doanh nghiệp về môi trường. Đến nay, chưa có sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng xảy ra. Với những nỗ lực đó, lần đầu tiên công bố Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) Bắc Ninh đứng thứ 3 cả nước.

Tiến sĩ Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển KT- XH tỉnh khẳng định: PGI của VCCI là sáng kiến vô cùng quan trọng, không những tạo cơ sở cung cấp thông tin phục vụ cho công tác hoạch định chính sách, mà còn tạo động lực để các địa phương có bước đi đúng đắn trong phát triển kinh tế, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của BĐKH và ô nhiễm môi trường đối với sản xuất kinh doanh và tính bền vững của doanh nghiệp, phù hợp với xu hướng phát triển của đất nước và trên thế giới. Trong giai đoạn phát triển mới, trước tác động của vấn đề toàn cầu hóa, tỉnh Bắc Ninh chủ động chuyển đổi trong công tác chỉ đạo, cũng như hành động hướng vào thu hút dòng vốn có chất lượng hơn, công nghệ cao hơn, mang lại giá trị gia tăng cao hơn… gắn với mục tiêu phát triển bền vững bắt kịp xu hướng Net Zero trên thế giới. Nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả và đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, gắn với nâng cao chất lượng quản trị môi trường, cải thiện điểm số và thứ hạng Chỉ số PGI trong năm 2023 và các năm tiếp theo trong nhóm những tỉnh dẫn đầu cả nước, ngày 10-7, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 223/KH-UBND về Cải thiện Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) giai đoạn 2023-2025 và trở thành tỉnh đầu tiên của cả nước triển khai kế hoạch này. Ông Trevor Hublin, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID) cho biết: PGI là một trong nhiều chương trình tại Việt Nam tập trung vào bảo vệ môi trường và quản trị kinh tế để thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng xanh. PGI sẽ giúp các tỉnh tiến tới một giai đoạn phát triển mới đó là tăng trưởng kinh tế xanh. Vì thế, các giải pháp cải thiện PGI được tỉnh Bắc Ninh chú trọng trong thời gian tới. Đó là, xanh hóa sản xuất, thương mại, dịch vụ và tiêu dùng; thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp theo định hướng kinh tế xanh. Trong đó, thu hút đầu tư theo định hướng tái cấu trúc kinh tế để đẩy nhanh quá trình phát triển theo mô hình kinh tế xanh. Thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng xanh (theo Quyết định số 1124/QĐ-NHNN ngày 4-7-2022 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 54/NQ-CP ngày 12-4-2022 của Chính phủ). Quy hoạch xây dựng KCN, khu đô thị sinh thái với trọng tâm sử dụng và quản lý tài nguyên bền vững. Phát triển khoa học công nghệ, đào tạo lực lượng lao động xanh và thúc đẩy tiêu dùng xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn. Tăng cường các giải pháp quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, kiểm soát và khuyến khích sử dụng tiết kiệm năng lượng, phát triển dịch vụ xử lý môi trường trong các khu, cụm công nghiệp. Đồng thời nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ, thu hút thêm các nguồn vốn xã hội hoá, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm và hiệu quả sản xuất kinh doanh. Là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Kế hoạch cải thiện Chỉ số Xanh cấp tỉnh cùng với các giải pháp phù hợp sẽ giúp Bắc Ninh tiếp tục có những bước tiến mới phát triển bền vững để thích ứng với xu hướng toàn cầu hóa, duy trì thứ hạng cao trong bảng xếp hạng PGI và PCI.

Theo Báo Bắc Ninh