The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Tiền Giang cải thiện thực chất môi trường đầu tư

Các cấp chính quyền tỉnh Tiền Giang đang nỗ lực cải thiện thực chất, hiệu quả môi trường đầu tư- kinh doanh để đón làn sóng đầu tư mới.
Song hành những nỗ lực đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp ứng phó linh hoạt với dịch bệnh COVID-19, ổn định sản xuất kinh doanh, các cấp chính quyền tỉnh Tiền Giang đang nỗ lực cải thiện thực chất, hiệu quả môi trường đầu tư- kinh doanh để đón làn sóng đầu tư mới.
Thực tế cho thấy, môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi là nơi mỗi người dân, doanh nghiệp đều nhìn thấy cơ hội và được tiếp thêm động lực để phát triển, đưa doanh nghiệp của mình tiến xa hơn.
Tìm nút thắt
Tại Tiền Giang, những thay đổi của môi trường đầu tư kinh doanh phần nào được thể hiện rõ qua số lượng doanh nghiệp thành lập mới cũng như thu hút vốn đầu tư những năm gầy đây. Tuy nhiên, ở góc độ chiều sâu, các chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số Năng lực cạnh tranh (PCI), Chỉ số Sự hài lòng của tổ chức và cá nhân về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) và Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) là các chỉ số có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đánh giá tính hiệu quả, chuyên nghiệp, công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý, điều hành của bộ máy hành chính nhà nước cấp tỉnh phục vụ nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp. Đây là hệ quy chiếu quan trọng trong việc đánh giá thực chất cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Chẳng hạn, năm 2020, Chỉ số PCI của Tiền Giang xếp 45/63 tỉnh, thành phố, đạt 62,78 điểm (năm 2019 tỉnh xếp hạng 46/63 tỉnh, thành phố, đạt 63,91 điểm). Chỉ số PCI giảm điểm và và thứ hạng chưa được cải thiện là do tốc độ cải thiện của một số chỉ số thành phần còn ở mức thấp. Chỉ số PAPI của Tiền Giang năm 2020 xếp hạng 52/63 tỉnh, thành, đạt 42,295 điểm, giảm 14 bậc so với năm 2019 (năm 2019 tỉnh xếp hạng 38/63 tỉnh, thành phố, đạt 43,21 điểm).
Có rất nhiều nguyên nhân khiến cho các chỉ số của Tiền Giang chưa đạt kỳ vọng: Do nhận thức của lãnh đạo, nhất là người đứng đầu và cán bộ, công chức, viên chức cơ quan hành chính nhà nước các cấp, đơn vị sự nghiệp công lập về các chỉ số nêu trên chưa tốt; sự quan tâm và tính quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính (CCHC), mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính (TTHC) còn hạn chế; tính tiên phong, năng động, sáng tạo của đội ngũ lãnh đạo các cơ quan hành chính các cấp trong việc xây dựng một hệ thống công vụ phục vụ nhân dân, liêm chính, hành động quyết liệt và kiến tạo phát triển chưa đáp ứng yêu cầu… mức độ tiếp cận thông tin của người dân đối với các dịch vụ, khả năng quản trị của cơ quan nhà nước vẫn chưa đạt như kỳ vọng.
Điều đó chỉ ra rằng, những dư địa cải cách, đổi mới của Tiền Giang còn rất lớn. Theo ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang: Từ việc nhận diện đúng những hạn chế còn tồn tại, Tiền Giang đã và đang có các giải pháp nhằm cải thiện thực chất, hiệu quả môi trường đầu tư kinh doanh, đón làn sóng đầu tư mới trên tinh thần lấy sự hài lòng của nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp là đích đến của mọi sự phục vụ. Các Chỉ số PCI, PAPI đã tạo ra các kênh tham khảo, chỉ dẫn quan trong việc điều chỉnh, hình thành chính sách tại Tiền Giang.
Hành động cụ thể
Để cụ thể hóa những định hướng lớn trong CCHC, UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành Quyết định về Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước của tỉnh Tiền Giang, giai đoạn 2021 - 2030. Theo đó, Quyết định quy định mục tiêu cải cách thể chế, cải cách TTHC, cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, cải cách chế độ công vụ, cải cách tài chính công cụ thể cho từng giai đoạn.
Trong kế hoạch cũng đề cập đến mục tiêu cải cách các chỉ số, cụ thể là: Phấn đấu đến năm 2025, các Chỉ số PAR Index, PAPI và PCI của tỉnh nằm trong top 30 của cả nước; tạo được sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức về ý nghĩa, tầm quan trọng của các chỉ số; đồng thời, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan nhà nước trong nỗ lực cải thiện PAR Index, PAPI và PCI hằng năm của tỉnh.
Để thực hiện mục tiêu trên, ngay từ tháng 4/2021, UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo Cải thiện các chỉ số do Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban. Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện công tác cải thiện môi trường đầu tư để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Các sở, ngành theo dõi, đánh giá từng chỉ số. Theo định kỳ, Ban Chỉ đạo sẽ phối hợp với các ngành khảo sát, điều tra, đánh giá các chỉ số, trên cơ sở đó xây dựng và tổ chức thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể để cải thiện các chỉ số quan trọng này.
Bên cạnh đó là nâng cao hiệu quả công tác điều hành, quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ công của cơ quan hành chính nhà nước để góp phần xây dựng nền hành chính trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phục vụ nhân dân tốt hơn.
Đặc biệt, trong định hướng xây dựng nền hành chính hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, Tiền Giang sẽ tăng cường đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với người dân, doanh nghiệp. Mục tiêu tỉnh hướng tới là xây dựng nền hành chính trong sạch, vững mạnh, minh bạch và hiện đại; nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan nhà nước;...