The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Đánh giá DDCI theo nhu cầu doanh nghiệp

Việc triển khai đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) đang tạo nên những chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp nói riêng và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nói chung.
Doanh nghiệp nhận được nhiều sự hỗ trợ từ các sở, ban, ngành, địa phương
Điều chỉnh phù hợp nhu cầu
DDCI được biết đến là bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng các sở, ban, ngành và địa phương về chất lượng điều hành kinh tế, đóng góp vào việc xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho phát triển doanh nghiệp (DN).
Tại Thừa Thiên Huế việc triển khai đánh giá DDCI được triển khai từ năm 2018. Thông qua việc ghi nhận ý kiến, đánh giá, phản hồi của cộng đồng DN về chất lượng điều hành kinh tế của các sở, ban, ngành và địa phương, Thừa Thiên Huế muốn trao quyền cho DN, cộng đồng DN địa phương, góp tiếng nói của DN và thực thi vai trò giám sát các hoạt động điều hành kinh tế của tỉnh. Mặt khác, đặt các cơ quan, đơn vị vào tâm thế thường trực cải cách và nâng cao chất lượng dịch vụ. Qua đó góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Năm nay, việc khảo sát được triển khai trên quy mô toàn tỉnh và do Viện Nghiên cứu Phát triển tỉnh độc lập tiến hành. Sau 4 năm triển khai, các chỉ số đang ngày càng được hoàn thiện, quy trình thực hiện cũng được chuẩn hóa hơn, các đơn vị được khảo sát đánh giá cũng có những điều chỉnh phù hợp hơn với nhu cầu của DN.
Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư thông tin, theo đề xuất của cộng đồng DN đối tượng tiến hành khảo sát DDCI năm 2022 sẽ bổ sung thêm 2 đơn vị so với năm 2021 bao gồm: Văn phòng UBND tỉnh, Sở Tài chính. Việc bổ sung khảo sát Văn phòng UBND tỉnh nhằm đánh giá việc hỗ trợ DN trong việc quyết định đầu tư, hỗ trợ giải quyết các vấn đề liên quan đến DN ở cấp độ tham mưu trực tiếp với lãnh đạo UBND tỉnh; đánh giá việc hỗ trợ của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh (trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh) về các vấn đề liên quan hỗ trợ DN thực hiện thủ tục hành chính tại trung tâm. Từ đó, xác định thực trạng và tìm kiếm giải pháp cải thiện công tác hỗ trợ DN của Văn phòng UBND tỉnh thông qua ý kiến của DN.
Riêng Sở Tài chính sẽ đánh giá sự tham gia, công tác hỗ trợ của sở theo chức năng, nhiệm vụ được phân công tại các kế hoạch, chính sách hỗ trợ DN đang triển khai trên địa bàn tỉnh nhằm tìm kiếm giải pháp tốt hơn cho công tác hỗ trợ DN của Sở Tài chính thông qua ý kiến của DN.
Như vậy năm 2022, DDCI sẽ tập trung đánh giá 34 đơn vị. Trong đó, nhóm các sở, ban, ngành có 18 đơn vị gồm: Văn phòng UBND tỉnh; Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Tài chính; Sở Tư pháp; Sở Xây dựng; Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Du lịch; Sở Văn hóa và Thể thao; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; Sở Công thương; Sở Y tế; Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Giao thông Vận tải; Sở Nông nghiệp và PTNT; Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Thông tin và Truyền thông; Sở Ngoại vụ và BQL Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh. Nhóm UBND cấp huyện sẽ có 9 đơn vị UBND các huyện, thị xã, TP. Huế được đánh giá.
Với nhóm các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn có 6 đơn vị được khảo sát đánh giá, bao gồm: Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn; Cục Thuế tỉnh; Cục Hải quan tỉnh; Bảo hiểm Xã hội tỉnh; Kho bạc Nhà nước tỉnh và Cục Quản lý thị trường tỉnh. Đơn vị cung cấp dịch vụ hạ tầng có 1 đơn vị được khảo sát là Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài.
Sẵn sàng nâng hạng
Theo ông Cung Trọng Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển, quá trình triển khai việc lập danh sách các đối tượng khảo sát sẽ lấy ngẫu nhiên từ các hồ sơ giao dịch tại Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện và tại các sở, ban, ngành cấp tỉnh. Số lượng mẫu khảo sát được xác định từ 5-10% tùy thuộc vào số lượng hồ sơ giao dịch của từng đơn vị, nhưng không thấp hơn 50 mẫu khảo sát/một đối tượng được đánh giá. Hiện, Viện đang tổ chức lấy mẫu khảo sát và đến đầu tháng 11 sẽ tiến hành nhập liệu, xử lý, báo cáo và phân tích kết quả khảo sát.
Để kết quả khảo sát DDCI đánh giá đúng thực chất hoạt động hỗ trợ DN, cùng với kế hoạch triển khai của tỉnh, các sở, ngành, địa phương cũng đã ban hành kế hoạch cải thiện, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh; đầu tư nhiều hơn cho hoạt động thúc đẩy, hỗ trợ DN.
TP. Huế là một ví dụ, khi UBND thành phố đã xây dựng kế hoạch cải thiện, nâng cao DDCI thành phố Huế năm 2022 và các năm tiếp theo. Việc ban hành kế hoạch này không chỉ giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý điều hành của cơ quan Nhà nước, hướng tới sự hài lòng của người dân và DN mà còn đảm bảo tăng cường quản lý điều hành theo hướng hiện đại, đảm bảo xây dựng, ứng dụng chính quyền số, nâng cao năng lực cán bộ hướng tới mục tiêu nâng cao chỉ số DDCI.
Nội dung chính của kế hoạch này tập trung vào 8 nhóm chỉ số: tính minh bạch và tiếp cận thông tin; tính năng động của chính quyền; chi phí thời gian; chi phí không chính thức; cạnh tranh bình đẳng; hỗ trợ doanh nghiệp; thiết chế pháp lý gắn với đảm bảo an ninh - trật tự; vai trò người đứng đầu. Căn cứ vào các nhiệm vụ thực hiện các chỉ số, các phòng, ban, đơn vị và UBND 36 phường, xã sẽ cụ thể hóa thành các nhiệm vụ giải pháp phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao để thực hiện có hiệu quả chỉ số DDCI TP. Huế năm 2022 và các năm tiếp theo.
Với những đổi mới trong đánh giá DDCI và sự chủ động của chính quyền và các sở, ngành trong việc đánh giá DDCI nói riêng và hoạt động đồng hành hỗ trợ DN nói chung đang tạo động lực phấn đấu, thi đua về công cuộc cải cách hành chính. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến nhà đầu tư, DN, chú trọng cải thiện các thủ tục hành chính thuộc các chỉ số thành phần có vị trí xếp hạng thấp, góp phần tăng vị trí xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); phấn đấu năm 2022, Thừa Thiên Huế tiếp tục duy trì và nâng cao vị thứ xếp hạng PCI nằm trong TOP 5 và thuộc vào “Nhóm tốt” của cả nước...