The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Bắc Ninh: Chỉ số DDCI năm 2019 thúc đẩy nâng cao chất lượng quản trị địa phương

Chỉ số DDCI là bộ Chỉ số quan trọng, đánh giá toàn diện về chất lượng điều hành liên quan đến môi trường kinh doanh của các Sở, ngành, UBND cấp huyện. Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh (nay là Nghị quyết 02 của Chính phủ) đã yêu cầu các địa phương phải đánh giá chất lượng điều hành ở tỉnh thông qua Bộ chỉ số này.
Nếu Chỉ số PCI rất quan trọng, thể hiện năng lực và tính hiệu quả trong cải cách hành chính, cải thiện ở các địa phương thì Chỉ số DDCI sẽ cho biết năng lực, hiệu quả cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh ở các Sở, ngành, địa phương.
Chỉ số DDCI không chỉ là thứ hạng các Sở, ngành địa phương mà quan trọng các Giám đốc Sở cần tiếp cận ở góc độ những dữ liệu phục vụ công tác quản lý điều hành, nắm bắt khó khăn vướng mắc, quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp.
Nhiều năm qua, Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh đã nỗ lực để có phân tích công phu, chi tiết dữ liệu, trở thành tỉnh đầu tiên trên cả nước hoàn thành khảo sát, phân tích và công bố Chỉ số DDCI năm 2019.
Năm 2019, với nguồn dữ liệu phong phú thu thập từ 2700 lượt đánh giá của doanh nghiệp với 8 chỉ số thành phần, Chỉ số DDCI đã được công bố trong một báo cáo dày dặn với 63 bảng, 50 đồ thị. Hệ thống dữ liệu Chỉ số DDCI rất đa dạng, cập nhật, nhiều nội dung chi tiết nhưng có mấy vấn đề có thể khái quát. Qua dữ liệu cho thấy một số Sở, ngành, địa phương có tinh thần và quyết tâm trong cải cách thì giữ được thứ hạng; một số Sở, ngành tuy có thứ hạng thấp nhưng có nhiều cố gắng thì đã được cải thiện.
Năm 2019, cho thấy, Chỉ số DDCI của tỉnh Bắc Ninh có cải thiện, điểm số trung vị cao hơn năm 2018 nhưng đối với Sở, ngành có 4 chỉ số quan trọng giảm điểm: Tính minh bạch, Chi phí không chính thức, Hỗ trợ doanh nghiệp, Vai trò của người đứng đầu. Đối với cấp huyện 3 chỉ số giảm điểm: Tính minh bạch, Chi phí không chính thức, Vai trò của người đứng đầu. Điều này cũng cho thấy phù hợp với diễn biến của Chỉ số PCI trên các chỉ số thành phần tương tự, đồng thời cho thấy nhiều nội dung cải cách ở các Sở, ngành, địa phương cần rà soát theo hướng thiết thực, giải quyết những “nút thắt” về môi trường kinh doanh ở tỉnh. Ví dụ tỉnh đã có Trung tâm HHC công, nhưng có thủ tục vẫn phải qua các Sở, ngành giải quyết, vẫn có những lĩnh vực tiếp cận khó khăn như đầu tư, xây dựng, đất đai,…Sự thay đổi vị trí các Sở, ngành không nhiều cho thấy những hiệu quả cải thiện môi trường kinh doanh chững lại, thiếu những sáng kiến mới.
Để Chỉ số DDCI được khai thác hiệu quả trong nâng cao chất lượng điều hành, phân tích chỉ số DDCI cần phối hợp đồng bộ với phân tích các chỉ số về quản trị địa phương như PCI, PAPI, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm có các giải pháp sát thực trong cải cách hành chính ở từng Sở, ngành, UBND cấp huyện. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, điều hành thành phố thông minh cần thiết thực, cụ thể hơn, hướng vào các ứng dụng nâng cao tính minh bạch, giảm chi phí không chính thức, gia tăng mức độ hài lòng của doanh nghiệp và người dân.
Các Sở, ngành, địa phương cần chủ động nghiên cứu rà soát, phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội chẩn đoán, phân tích để tìm ra các giải pháp khắc phục, những giải pháp thiết thực để nâng cao tính minh bạch, giảm chi phí không chính thức cho doanh nghiệp và người dân, chính là những “nút thắt” về môi trường kinh doanh mà khảo sát Chỉ số DDCI đã chỉ ra.
Trung tâm Hành chính công phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - xã hội để rà soát, phân tích những chỉ tiêu liên quan đến hoạt động cải cách, năng lực, phong cách, thái độ phục vụ cán bộ để có các giải pháp mới nâng cao hiệu quả hoạt động.
Sở Kế hoạch và Đàu tư phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội, các ngành liên quan rà soát các quy trình về đầu tư, xây dựng, đát đai, hướng dẫn thực hiện các quy định mới, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; xây dựng kế hoạch, tổ chức gặp mặt, đối thoại doanh nghiệp năm 2020 thiết thực, hiệu quả nhằm cải thiện Chỉ số PCI và các nội dung có liên quan.
Phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tuyên truyền, phân tích trong cộng đồng doanh nghiệp để nâng cao sự đồng thuận, hợp tác với cơ quan chính quyền, nhằm cải thiện môi trường kinh doanh; đồng thời các cơ quan Nhà nước lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp nhằm thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh.
Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội triển khai đề xuất các giải pháp cải thiện các Chỉ số PCI, PAPI, DDCI với từng nhiệm vụ cụ thế ở từng ngành, từng việc làm cụ thể và những sáng kiến, đột phá trong cải thiện môi trường kinh doanh và hiệu quả quản trị hành chính công năm 2020.
Các Cơ quan truyền thông phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội tuyên truyền những đơn vị, những sáng kiến, chỉ số làm tốt, hướng tới nâng cao chất lượng điều hành toàn diện, hướng tới sự hài lòng của doanh nghiệp và người dân.