The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Bắc Ninh: Cải thiện Chỉ số Hỗ trợ doanh nghiệp

Là một trong những công cụ đo lường và đánh giá công tác quản lý, điều hành kinh tế dựa trên các hoạt động để phát triển khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, Chỉ số Hỗ trợ doanh nghiệp (trong bộ Chỉ số PCI) được tính toán dựa trên kết quả tổng hợp của 24 chỉ số cơ sở.
Nội dung khảo sát đánh giá của 24 chỉ số này được phân thành các nhóm: chỉ số về số hội chợ được tổ chức; chỉ số về tỷ lệ doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên tổng số doanh nghiệp của tỉnh; chỉ số về tỷ lệ doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên tổng số doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI và 21 chỉ số còn lại là 3 nội dung khảo sát giống nhau, lần lượt cho 7 loại dịch vụ gồm: tìm kiếm thông tin; tư vấn pháp luật; tìm kiếm đối tác; xúc tiến thương mại; dịch vụ liên quan đến công nghệ; đào tạo kế toán tài chính và đào tạo quản trị kinh doanh.
Thống kê trong 4 năm qua chỉ số này của tỉnh liên tục tăng điểm; năm 2021 đạt 7,27 điểm, là điểm số cao nhất từ năm 2006 đến nay. Trong năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng khá lớn của dịch COVID-19 song các nội dung tính điểm chỉ số này đã khắc phục được nhiều tồn tại, hạn chế và được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Nhất là khi Bắc Ninh trở thành điển hình vừa làm tốt công tác phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội với nhiều giải pháp thiết thực cụ thể như: cấp phép lao động và nhập cảnh đối với chuyên gia nước ngoài; hỗ trợ nguồn vaccine để tiêm cho người lao động; hỗ trợ tìm nguồn lao động; giải quyết thủ tục hành chính; tiếp cận chính sách đất đai; sản xuất nông sản thực phẩm an toàn; xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề... Đồng thời, tỉnh cũng triển khai hàng loạt các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp bảo vệ người lao động; hướng dẫn cho các doanh nghiệp tiếp nhận lao động, kể cả lao động ở tỉnh ngoài theo quy trình đơn giản, vừa đáp ứng phòng chống dịch vừa sản xuất phục hồi kinh tế. Đặc biệt, nhằm tiếp nhận và giải quyết kịp thời những kiến nghị của doanh nghiệp, UBND tỉnh thành lập và chỉ đạo hoạt động hiệu quả Tổ phản ứng nhanh “3 nhất” hỗ trợ doanh nghiệp (Tư vấn hiệu quả nhất; Giải quyết nhanh nhất; Chống dịch an toàn nhất) của tỉnh, các sở, ngành, địa phương để hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến lĩnh vực, địa bàn quản lý.
Toàn tỉnh hiện có gần 20.000 doanh nghiệp đăng ký đang hoạt động, phần lớn trong số đó là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Việc cung cấp các dịch vụ hỗ trợ một cách thường xuyên, có chất lượng sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, nâng cao giá trị sản xuất, kinh doanh, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh vẫn còn thiếu chủ động trong công tác phối hợp khi thực hiện một số dịch vụ liên quan đến tư vấn pháp luật, tìm kiếm thông tin thị trường, đối tác đầu tư, kinh doanh chất lượng cao. Việc tổ chức hội nghị, diễn đàn, đối thoại doanh nghiệp hay các sự kiện xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư hàng năm vẫn còn hạn chế nên doanh nghiệp ít có cơ hội giới thiệu, tiếp cận thông tin về thị trường, các đối tác mới…
Để cải thiện hơn nữa chỉ số hỗ trợ doanh nghiệp, góp phần nâng cao chỉ số PCI của tỉnh, các sở, ngành chức năng xác định tiếp tục triển khai nhiều nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể là, tăng cường hơn nữa việc rà soát các thủ tục hành chính nhằm tiếp tục thực hiện cắt giảm thời gian giải quyết so với quy định hiện hành, tạo lập môi trường thông thoáng. Tích cực triển khai các nội dung trong đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn giai đoạn 2020- 2025 của UBND tỉnh nhằm đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ thúc đẩy khối doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật; dịch vụ liên quan đến công nghệ, tài chính ngân hàng và đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp… Triển khai thực hiện các nội dung chương trình xúc tiến thương mại, thương mại điện tử; cung cấp dịch vụ cải tiến, hỗ trợ doanh nghiệp, xúc tiến thương mại nhằm giúp các doanh nghiệp tiếp cận công nghệ và mở rộng thị trường. Nâng cao số lượng, chất lượng các hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại; các hội nghị gặp gỡ, tiếp xúc nhằm cung cấp, nắm bắt thông tin và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp; tăng số lượng các hội chợ thương mại do tỉnh tổ chức, tăng cường thông tin tư vấn và cung cấp dịch vụ xúc tiến thương mại thông qua việc nâng cấp sàn thương mại điện tử tỉnh…