The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Vĩnh Phúc: Nỗ lực cải thiện chỉ số thiết chế pháp lý và an ninh trật tự

Kết quả công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy, trong 10 chỉ số thành phần PCI của tỉnh, chỉ số thiết chế pháp lý và an ninh trật tự năm 2020 có sự sụt giảm về điểm số và thứ hạng so với năm 2019. Với quyết tâm tăng điểm và thứ hạng của chỉ số này trong năm 2021 và những năm tiếp theo, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Sở Tư pháp đang tích cực phối hợp với Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Công an tỉnh và các cơ quan liên quan triển khai nhiều giải pháp.
Chỉ số thiết chế pháp lý và an ninh trật tự là chỉ số đo lường lòng tin của doanh nghiệp đối với hệ thống tòa án, tư pháp của tỉnh. Theo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, năm 2020, chỉ số thiết chế pháp lý và an ninh trật tự của Vĩnh Phúc xếp thứ 42/63 tỉnh, thành với 6,49 điểm; giảm 8 bậc và giảm 0,31 điểm so với năm 2019; thấp hơn trung bình cả nước 0,31 điểm, không đạt mục tiêu kế hoạch năm 2020. Trong đó, có đến 8/17 chỉ tiêu có xu hướng giảm điểm gồm: Chỉ số hệ thống pháp lý có cơ chế giúp doanh nghiệp tố cáo cán bộ nhũng nhiễu; daonh nghiệp sẵn sàng sử dụng tòa án để giải quyết các tranh chấp; doanh nghiệp cho rằng phán quyết của tòa án là công bằng; các cơ quan trợ giúp pháp lý tại tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng để khởi kiện; các chi phí chính thức và chi phí không chính thức là chấp nhận được khi giải quyết tranh chấp qua tòa án...
Các chỉ tiêu chưa được cải thiện và có xu hướng giảm là do cơ chế hoạt động, giải quyết các vụ việc của tòa án theo quy định của pháp luật còn vướng mắc khiến tỷ lệ vụ việc kinh tế được giải quyết trong năm giảm; tình hình an ninh trật tự diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, việc mở các lớp tập huấn phổ biến kiến thức pháp luật liên quan cho các doanh nghiệp chưa được thường xuyên; số lượng đại diện doanh nghiệp tham gia còn rất hạn chế; cơ chế tiếp nhận kiến nghị của doanh nghiệp trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật còn gặp nhiều khó khăn...
Để đạt mục tiêu trong giai đoạn 2021 - 2025, chỉ số thiết chế pháp lý và an ninh trật tự nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố tốt nhất cả nước, với vai trò là cơ quan chịu trách nhiệm chính theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, từ đầu năm 2021 đến nay, Sở Tư pháp chủ động phối hợp với Tòa án, Viện Kiểm sát, Công an tỉnh và các cơ quan liên quan triển khai nhiều giải pháp. Trong đó, Sở Tư pháp tập trung vào việc tích cực cập nhật kịp thời, đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật theo quy định, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư và doanh nghiệp trong việc tra cứu, áp dụng; tăng cường hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, đối thoại, tọa đàm với các doanh nghiệp nhằm kịp thời cung cấp các thông tin, chính sách, quy định của pháp luật mới ban hành liên quan đến tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp; đẩy mạnh hoạt động thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật; kiến nghị loại bỏ những nội dung không phù hợp với quy định hoặc gây phiền hà các doanh nghiệp. 6 tháng năm 2021, Sở Tư pháp đã tham gia ý kiến vào 62 dự thảo văn bản, thẩm định 48 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh, trong đó có nhiều dự thảo văn bản liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp; tổ chức các hội nghị tập huấn, hội nghị trực tuyến không tập trung để tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật; in và cấp phát miễn phí 9 đầu sách tìm hiểu pháp luật với gần 27 nghìn cuốn về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp...
Các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, khuyến khích doanh nghiệp nhờ đến tòa án để giải quyết các tranh chấp; loại bỏ tình trạng chi phí không chính thức trong quá trình giải quyết tranh chấp vụ án để thể hiện tính công bằng, nghiêm minh trong quá trình xét xử; nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống tư pháp, đặc biệt là trong giải quyết tranh chấp kinh tế cũng như khiếu nại, tố cáo của doanh nghiệp, nhà đầu tư; công bố công khai các trình tự, thủ tục tố tụng, khiếu nại, tố cáo và quy định rõ thời gian giải quyết các vụ việc; tích cực hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc lập thủ tục, hồ sơ khiếu nại, đề nghị giải quyết tranh chấp; tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng liên quan đến các hành vi nhũng nhiễu của cán bộ, công chức. Đồng thời, đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, nhất là các loại tội phạm trộm cắp trong các khu công nghiệp; củng cố lực lượng ở cơ sở để chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các vụ việc về an ninh trật tự, không để phát sinh vấn đề phức tạp.
Chỉ số thiết chế pháp lý và an ninh trật tự năm 2021 và các năm tiếp theo được cải thiện sẽ giúp tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, phục vụ đắc lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.