The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Sóc Trăng: Nỗ lực cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Mặc dù có nhiều nỗ lực trong triển khai các biện pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nhưng theo kết quả xếp hạng PCI năm 2019 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thì Sóc Trăng chỉ đứng thứ 53/63 tỉnh, thành phố trong cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Điều này cho thấy, Sóc Trăng vẫn chậm được cải thiện chỉ số PCI so với các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Xác định công tác cải cách chỉ số PCI là một trong những nhiệm vụ trọng tâm góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh phát triển, Tỉnh ủy, UBND tỉnh tập trung lãnh, chỉ đạo và giao các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh như: cải cách thủ tục hành chính theo hướng một cửa liên thông; rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính trên lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp, đất đai, chọn nhà thầu; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu và thái độ phục vụ của các bộ phận liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ các nhà đầu tư; thường xuyên đối thoại doanh nghiệp để lắng nghe kiến nghị và hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và nhà đầu tư; phân công sở, ngành đầu mối trong việc kêu gọi đầu tư và hỗ trợ các nhà đầu tư đẩy nhanh quá trình đăng ký và triển khai các dự án đầu tư; đưa vào vận hành Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh nhằm giúp doanh nghiệp, người dân thuận lợi hơn trong việc thực hiện các thủ tục hành chính. Đồng thời, tỉnh cũng thành lập tổ công tác nâng cao năng lực cạnh tranh các sở, ngành và UBND cấp huyện để tham mưu các giải pháp cải thiện chỉ số PCI và triển khai Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh các sở, ngành và UBND cấp huyện (gọi tắt là Bộ chỉ số DDCI) trong việc điều hành và phục vụ doanh nghiệp, người dân...
Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế như việc phối hợp của các sở, ban ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong việc giải quyết kiến nghị, khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư, doanh nghiệp cũng như trong triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tuy có cải thiện nhưng vẫn chưa kịp thời và thiếu sự đồng bộ. Tuy tỉnh đã đưa vào vận hành Trung tâm Phục vụ hành chính công nhưng vẫn còn một số công chức tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả xử lý thủ tục hành chính thiếu tính chuyên nghiệp và thái độ phục vụ chưa cao, do vậy phần nào ảnh hưởng đến nỗ lực cải cách hành chính chung của tỉnh.
Hiện nay vẫn còn một số chồng chéo về quy định giữa các luật, giữa các văn bản quy phạm pháp luật, do vậy doanh nghiệp, nhà đầu tư còn gặp nhiều vướng mắc trong hoạt động. Tuy nhiên, việc phối hợp và tham mưu giải quyết vướng mắc của các đơn vị có liên quan trong tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư còn thiếu sự chủ động, do vậy, cảm nhận của doanh nghiệp, nhà đầu tư về tính năng động của lãnh đạo tỉnh giảm so với năm 2018.
Công tác truyền thông việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ đầu tư và thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện PCI của tỉnh chưa kịp thời, hiệu quả; hơn nữa chỉ có một số ít chủ doanh nghiệp trực tiếp thực hiện các thủ tục hành chính, đa phần do nhân viên của doanh nghiệp hoặc các đơn vị tư vấn thực hiện. Từ đó, doanh nghiệp, nhà đầu tư chưa cảm nhận đầy đủ các nỗ lực của tỉnh; dẫn đến ý kiến đánh giá của doanh nghiệp trong một số trường hợp chưa chính xác, điển hình như doanh nghiệp có ý kiến là phải mất 7 ngày để thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp nhưng thực tế, kết quả xử lý không quá 2 ngày làm việc.
Đây chính là các nguyên nhân khiến cộng đồng doanh nghiệp tỉnh chưa đánh giá cao sự cải thiện của tỉnh, dẫn đến một số chỉ số thành phần giảm điểm so với năm 2018. Do vậy, dù tỉnh có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhưng theo cảm nhận của các doanh nghiệp, việc cải thiện của tỉnh vẫn còn chậm hơn so với phần lớn các tỉnh, thành phố. Cụ thể, theo kết quả xếp hạng PCI năm 2019 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Sóc Trăng đạt 63,7 điểm; xếp thứ 53 trong 63 tỉnh, thành cả nước; xếp thứ 12 trong 13 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long và thuộc nhóm “trung bình”. Dù điểm số PCI của Sóc Trăng tăng 1,88 điểm nhưng lại giảm 8 bậc so với xếp hạng PCI năm 2018. Tuy nhiên, so với các tỉnh, thành phố trong khu vực thì Sóc Trăng vẫn còn chậm cải tiến về chỉ số PCI. Vì vậy, trong thời gian tới, tỉnh cần phân tích kỹ nguyên nhân, hạn chế dẫn đến việc giảm điểm số hoặc điểm số ở mức thấp của một số chỉ số thành phần; đồng thời cần tham khảo thêm kinh nghiệm tại các tỉnh, thành phố có cải thiện tốt về kết quả xếp hạng PCI để đề ra các nhiệm vụ, giải pháp quyết liệt trong cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư tại tỉnh.
Theo đồng chí Vương Thành Nam - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong thời gian tới, tỉnh cần tập trung triển khai, thực hiện tốt các giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu để nâng cao chỉ số PCI nhằm nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư: khẩn trương triển khai Bộ chỉ số DDCI nhằm đánh giá, xếp hạng năng lực cạnh tranh của các đơn vị trong việc điều hành để nâng cao chất lượng phục vụ doanh nghiệp, người dân, qua đó, doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ cảm nhận đầy đủ hơn về những nỗ lực của tỉnh, từ đó góp phần cải thiện chỉ số PCI của tỉnh; Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tham mưu UBND tỉnh tổ chức Hội nghị triển khai Bộ chỉ số DDCI tại tỉnh kết hợp phân tích kết quả xếp hạng PCI năm 2019 của tỉnh. Các sở, ban ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố cần tập trung và phối hợp tốt trong thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ đầu tư do Trung ương và tỉnh ban hành, trong đó đặc biệt quan tâm đến công tác tư vấn, cung cấp thông tin và hỗ trợ nhà đầu tư đẩy nhanh tiến trình đăng ký và thực hiện đầu tư tại tỉnh. Cần chuẩn bị đầy đủ cơ sở pháp lý, đặc biệt là vấn đề mặt bằng cho các dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh nhằm đảm bảo tiến độ triển khai các dự án khi có nhà đầu tư đăng ký; đồng thời, UBND tỉnh cần phân công một đơn vị làm cơ quan đầu mối đối với từng dự án cụ thể từ khâu chuẩn bị thủ tục kêu gọi đầu tư đến khâu hỗ trợ nhà đầu tư triển khai dự án. Thủ trưởng các sở, ban ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố cần nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm; chủ động và linh hoạt hơn nữa trong việc tham mưu, phối hợp giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư thông qua các hoạt động đối thoại doanh nghiệp hoặc định kỳ tổ chức các buổi cà phê doanh nhân. Tiếp tục cải cách hành chính theo hướng tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến và nâng cao chất lượng phục vụ của các công chức, viên chức liên quan đến xử lý thủ tục hành chính và nâng mức cung cấp dịch vụ công của tỉnh ở mức độ 3, 4.
Với sự quyết tâm, quyết liệt triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ cảm nhận, đánh giá tích cực hơn về những nỗ lực của tỉnh, từ đó góp phần cải thiện chỉ số PCI và nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư của tỉnh trong năm 2020 và những năm tiếp theo.