The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Quảng Ninh - Nâng cao chỉ số PCI năm 2014: Cần tiếp tục cải thiện chỉ số thành phần hỗ trợ doanh nghiệp

Năm 2013, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Quảng Ninh xếp thứ 4/63 tỉnh thành trong cả nước và thuộc nhóm các tỉnh xếp hạng rất tốt với 8 chỉ số thành phần thăng hạng. Tuy nhiên, chỉ số thành phần “hỗ trợ doanh nghiệp”, một trong những chỉ số then chốt góp phần mang lại thành công cho doanh nghiệp, giúp khai thác tối đa tiềm năng tăng trưởng của tỉnh lại chỉ đứng vị trí thứ 8 trong 10 chỉ số thành phần.
Chỉ số PCI được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện hàng năm, đây cũng là thước đo quan trọng, khách quan nhất để đánh giá chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền cấp tỉnh và môi trường đầu tư tại địa phương đó. Trong 10 chỉ số thành phần thì chỉ số "hỗ trợ doanh nghiệp" được xây dựng nhằm đo lường số hội chợ thương mại do tỉnh tổ chức; số lượng các nhà cung cấp dịch vụ công là tư nhân để tìm kiếm thông tin kinh doanh, tư vấn về thông tin pháp luật, tìm kiếm đối tác kinh doanh, xúc tiến thương mại, nhà cung cấp dịch vụ tư nhân liên quan tới công nghệ; số lượng các doanh nghiệp sẵn sàng sử dụng tiếp các dịch vụ trên... Trong năm 2013, xét riêng chỉ số thành phần này, Quảng Ninh đạt 5,8/10 điểm, xếp vị trí 12/63 (tăng 1,38 điểm so với năm 2012). Qua đó cho thấy, việc đầu tư, hỗ trợ về vốn, nguồn lực, nhân lực cho phát triển sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế tư nhân, các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ; hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm; đổi mới trang thiết bị công nghệ; đào tạo lao động... của tỉnh trong thời gian qua phần nào đã đáp ứng mong mỏi của khu vực kinh tế dân doanh.
Mặc dù đã có sự cải thiện đáng kể nhưng theo đánh giá của nhóm nghiên cứu PCI, số điểm 5,8 vẫn ở mức trung bình, thực tế này cho thấy chỉ số "hỗ trợ doanh nghiệp" đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường đầu tư của tỉnh. Đồng thời, môi trường kinh doanh của tỉnh vẫn chưa đáp ứng được những yêu cầu ngày càng cao của các nhà đầu tư trong quá trình phát triển và hội nhập. Điều này cũng đã được một số doanh nghiệp thẳng thắn chia sẻ, thông qua các cuộc gặp gỡ, đối thoại doanh nghiệp hay tại các hội nghị đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh được tỉnh tổ chức trong thời gian qua.
Ông Đoàn Quốc Việt, Chủ tịch Tập đoàn BIM cho biết, một trong những điểm khác biệt của Quảng Ninh là không chỉ nhà đầu tư đi tìm dự án mà tỉnh cũng đi tìm dự án cùng nhà đầu tư. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của chúng tôi khi đầu tư vào Quảng Ninh là thiếu nguồn nhân lực có chất lượng, chủ động và kỷ luật trong công việc. Do vậy, tỉnh cần phải hỗ trợ việc đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp có trọng tâm, trọng điểm.
Còn theo bà Hà Thị Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Gốm Quang Vinh (Đông Triều), bên cạnh việc đẩy mạnh ứng dụng KHCN để doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh, thì vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với các doanh nghiệp vẫn là việc phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, do nguồn vốn hạn hẹp nên nhiều doanh nghiệp chưa thể tiếp cận các thị trường mới, tìm kiếm đối tác kinh doanh, đa dạng hoá sản phẩm. Trong khi đó, việc tiếp cận vốn vay với lãi suất thấp còn nhiều khó khăn, còn các cơ chế, chính sách cũng chưa thật sự ưu đãi để khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư xây dựng kho tàng, mở rộng cơ sở kinh doanh thương mại...
Được biết, để cải thiện chỉ số thành phần quan trọng này, trong Kế hoạch 4542, ngày 27-8-2013 của UBND tỉnh đã chỉ rõ: Tỉnh sẽ tiếp tục triển khai Nghị quyết số 13 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường; tổ chức gặp mặt, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp; tư vấn cho doanh nghiệp trong việc ứng dụng KHCN để nâng cao chất lượng sản phẩm; tăng cường hướng dẫn, giải đáp các chính sách thuế cho doanh nghiệp trong quá trình kê khai, báo cáo, nộp thuế; nâng cao hiểu biết pháp luật, trình độ của cán bộ hướng dẫn tại bộ phận một cửa; hỗ trợ doanh nghiệp trong các hoạt động xúc tiến thương mại, triển lãm trong và ngoài nước...
Giải pháp đã có, tuy nhiên, để có thể cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh, hỗ trợ doanh nghiệp một cách hiệu quả nhất, thì các giải pháp trên cần phải được các sở, ngành tổ chức thường xuyên và vào cuộc một cách quyết liệt hơn nữa.

Hoàng Nga

Theo baoquangninh.com.vn