The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Phú Yên: Địa phương chậm đổi mới, chắc chắn sẽ tụt hậu

Năm 2019, Chỉ số năng lực cạnh tranh các huyện, thị xã, thành phố (DDCI địa phương) trên địa bàn tỉnh đã có sự thay đổi khác biệt về điểm số so với năm 2018. Trao đổi với phóng viên Báo Phú Yên về sự khác biệt này, TS Võ Ngọc Anh, Trưởng Nhóm nghiên cứu DDCI tại Phú Yên cho biết:
- DDCI địa phương đánh giá dựa trên quan điểm nền tảng là doanh nghiệp kỳ vọng như thế nào đối với chính quyền hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng quản lý và điều hành kinh tế cấp huyện. Qua đó giúp các địa phương năng động hơn, tìm ra nhiều giải pháp trong việc xây dựng bộ máy điều hành. Đây cũng là một kênh thông tin quan trọng và khách quan, giúp các doanh nghiệp phản ánh, đánh giá công tác điều hành của các cơ quan hành chính một cách chính xác, khách quan; tạo sự cạnh tranh, thi đua về chất lượng điều hành, tạo động lực cải cách hành chính đồng bộ.
* Xin ông cho biết DDCI địa phương năm 2019 của Phú Yên được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá như thế nào?
- Bảng xếp hạng DDCI Phú Yên 2019, khối địa phương gồm 9 đơn vị được khảo sát đánh giá, ghi nhận mức độ nỗ lực và hành động, cải thiện và nâng cao năng lực cạnh tranh của môi trường đầu tư kinh doanh địa phương với điểm trung vị của cả khối là 50,85 điểm. Điểm số này thấp hơn trung vị của khối sở, ban ngành và cũng thấp hơn điểm số PCI 2018 của tỉnh (sau khi quy chuẩn hệ 10 chỉ số). Điều này cho thấy, khối địa phương về cơ bản chưa được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao, đồng thời phản ánh tương đối rõ lý do tại sao PCI và môi trường kinh doanh tại Phú Yên chưa được đánh giá cao.
Khoảng cách điểm giữa đơn vị đứng đầu và đơn vị đứng cuối là 27,24 điểm, phản ánh chất lượng điều hành kinh tế giữa các địa phương không đồng nhất.
* Qua kết quả đánh giá, các địa phương vẫn còn băn khoăn về việc có sự thay đổi vị trí xếp hạng so với năm 2018, ông giải thích thế nào về vấn đề này?
- Năm 2018, tốp đầu thuộc về 3 huyện Tuy An, Tây Hòa và Sông Hinh, nhưng năm 2019, các địa phương này lại xếp cuối bảng. Trong khi đó, Sơn Hòa từ vị trí thứ 5 vươn lên đứng đầu; Phú Hòa từ vị trí 7 lên vị trí 2; Đông Hòa từ 6 vượt lên 3. Có sự thay đổi đột ngột nên các huyện có những băn khoăn là đúng.
Tuy nhiên, mẫu khảo sát DDCI được cung cấp bởi chính các địa phương mà các doanh nghiệp có thực hiện thủ tục hoặc giao dịch có liên quan trong quá trình hoạt động. Phương pháp triển khai đánh giá dựa trên nguyên tắc độc lập khách quan và bảo mật thông tin của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tham gia đánh giá. Nhóm nghiên cứu sử dụng 2 kênh: khảo sát đánh giá thực địa từng địa phương và bằng bảng hỏi điện tử qua hệ thống thư điện tử.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng thiết lập hệ thống tổng đài hỗ trợ và giải đáp thắc mắc, với mục đích hỗ trợ và giải đáp các thắc mắc về thông tin khảo sát, phiếu khảo sát; hạn chế tối đa ảnh hưởng tới lựa chọn phương án của người trả lời. Do đó, phương pháp đánh giá hoàn toàn khách quan. Kết quả vị trí có thay đổi hay không đều do cộng đồng doanh nghiệp đánh giá và việc có sự thay đổi là cũng hết sức bình thường.
* Vậy theo ông và nhóm nghiên cứu, trong thời gian đến, khối địa phương cần nỗ lực như thế nào để được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao hơn?
- Các địa phương cần phải nhận thức rõ nếu chậm đổi mới, chắc chắn sẽ tụt hậu. Việc cải thiện môi trường kinh doanh phải thay đổi từ tư duy đến cách tiếp cận, tổ chức xúc tiến đầu tư đến chính sách. Do đó, việc tiếp tục duy trì công bố chỉ số DDCI địa phương sẽ tạo sức ép cạnh tranh liên tục và tạo cơ sở dữ liệu đo lường, giám sát chất lượng điều hành kinh tế của các đơn vị cơ sở. Bên cạnh đó, địa phương cần rà soát chuẩn hóa, cắt giảm tối đa thời gian giải quyết, đơn giản hóa quy trình thực hiện các thủ tục hành chính. Định kỳ hàng quý lãnh đạo đơn vị tổ chức các buổi đối thoại với doanh nghiệp và chủ trương giải quyết các vấn đề sau đối thoại có hiệu quả.
Ngoài ra, người đứng đầu nên xem hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp là sự phát triển của địa phương mà giải quyết rốt ráo những khó khăn, tạo điều kiện để doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh. Đẩy mạnh thực hiện công tác thông tin truyền thông đến cộng đồng doanh nghiệp về tính hiệu lực, hiệu quả của bộ chỉ số DDCI để họ nắm bắt và đồng hành cùng chính quyền địa phương trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo tiền đề để thu hút đầu tư…
* Xin cảm ơn ông!
PHẠM THÙY