The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Nghị quyết 02: Tiếp nối 'sức nóng' cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh

Ngay trong ngày đầu tiên của năm mới 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Hàng nghìn rào cản đầu tư, kinh doanh được dỡ bỏ

Đây là thông lệ từ đầu nhiệm kỳ đến nay, khi Chính phủ đều đặn ban hành nghị quyết hàng năm về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, bám sát theo các tiêu chí và thực hành quốc tế. Đó là các Nghị quyết số 19/NQ-CP các năm từ 2014 đến 2018 và Nghị quyết số 02/NQ-CP các năm 2019, 2020, trong đó Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2019 đề ra mục tiêu cho cả năm 2021. Với việc triển khai các nghị quyết này hàng năm, hàng nghìn rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh đã được dỡ bỏ; nhiều yếu tố, vấn đề về xã hội, quản lý, quản trị liên quan tới chất lượng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia được chú trọng chỉ đạo giải quyết. Thứ hạng của Việt Nam trong tất cả các bảng xếp hạng quan trọng của quốc tế đều được cải thiện. Năm 2021, để tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, Chính phủ ban hành Nghị quyết 02 với yêu cầu tập trung hoàn thành mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể năm 2021 đã đề ra tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1/1/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021. Tại Nghị quyết này, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh tiếp tục thực hiện đầy đủ, nhất quán và hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đạt mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể đề ra tại Nghị quỵết số 02/NQ-CP (năm 2019 và 2020). Trong đó, tập trung vào các nhóm chỉ số, chỉ tiêu cụ thể, gồm: cấp phép xây dựng, đăng ký tài sản, giải quyết tranh chấp hợp đồng, giải quyết phá sản doanh nghiệp, chất lượng quản lý hành chính đất đai, ứng dụng công nghệ thông tin, chất lượng đào tạo nghề, kỹ năng của sinh viên, đăng ký phát minh sáng chế, kiểm soát tham nhũng, mức độ tham gia giao dịch trực tuyến, cơ hội việc làm trong các ngành thâm dụng tri thức, môi trường sinh thái bền vững. Bên cạnh đó, khắc phục ngay những hạn chế, vướng mắc trong công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị theo hướng: Xác định rõ cơ quan, đơn vị đầu mối chủ trì; phân định minh bạch, cụ thể quyền và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị đầu mối và các cơ quan, đơn vị phối hợp. Đồng thời, chú trọng giải quyết các bất cập do quy định chưa cụ thể, chồng chéo, mâu thuẫn về quản lý nhà nước trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng và tài nguyên, môi trường; thực hiện tích hợp các văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, minh bạch, dễ tra cứu, dễ hiểu và dễ tiếp cận của hệ thống pháp luật.

Tập trung thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia Một trong những điểm mới của Nghị quyết là yêu cầu tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" đồng bộ với thực hiện cải cách hành chính; nhấn mạnh các giải pháp tăng mức độ sẵn sàng thích ứng với nền sản xuất mới trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong đó, tập trung thực hiện: Cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, trong đó phấn đấu áp dụng 100% cho dịch vụ công thiết thực đối với người dân (như các lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo, an sinh xã hội); đẩy mạnh tiến độ thanh toán không dùng tiền mặt và phát triển thương mại điện tử. Đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin để minh bạch hóa quy trình, thủ tục; huy động sự tham gia, đóng góp của doanh nghiệp và người dân vào xây dựng chính quyền; kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu dùng chung phục vụ công tác quản lý nhà nước; xây dựng và triển khai Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025. Cùng với đó, chú trọng đến phát triển bền vững, Chính phủ yêu cầu xây dựng và thực hiện chiến lược, kế hoạch trung, dài hạn với mục tiêu rõ ràng, lộ trình cụ thể để tạo chuyển biến vững chắc đối với các chỉ tiêu có tính chất nền tảng nhưng khó cải thiện trong thời gian ngắn như bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nghèo đa chiều, phát triển miền núi, vùng sâu, vùng xa...; phấn đấu giữ vững và cải thiện thứ hạng phát triển bền vững. Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chú trọng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19. Theo TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), việc Chính phủ duy trì tính liên tục của các mục tiêu, giải pháp trong các Nghị quyết 19 trước đây và 02 sau này là rất quan trọng, cần thiết để tiếp nối những thành quả cải cách chúng ta đã đạt được những năm qua. Đáng chú ý, tại Nghị quyết 02 lần này, Chính phủ yêu cầu tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số theo Quyết định số 749. Điều này là rất phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh xảy ra đã làm tăng sức ép cũng như tạo cơ hội thúc đẩy chuyển đổi số, số hoá của cả Chính phủ và doanh nghiệp. Nhìn lại giai đoạn 2016 - 2020, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng cải thiện môi trường kinh doanh là một điểm sáng ấn tượng về cải cách. Nhiệm vụ này kế thừa Nghị quyết 19 trước đây, nhưng được mở rộng phạm vi hơn nhiều và chú trọng việc tháo bỏ các rào cản với quyền tự do kinh doanh trên tất cả các lĩnh vực. Chính vì thế, đầu tư tư nhân luôn tăng trưởng ở mức từ 17 đến 20% hằng năm, cao nhất trong các khu vực kinh tế. Bước sang năm 2021, năm có ý nghĩa quan trọng, là năm đẩy mạnh phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 và năm đầu thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 cũng như Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2021 sẽ tạo tiền đề và khích lệ mạnh mẽ cho các năm tiếp theo, TS Nguyễn Đình Cung cho biết./.

Theo Thời báo Tài chính