The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Hoà Bình: Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý nhà nước

Tỉnh Hoà Bình là một trong những địa phương tích cực đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý nhà nước.
Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình, tính đến nay, 100% các các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh đã có hệ thống mạng nội bộ (LAN) và kết nối internet băng thông rộng; tỉ lệ cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan nhà nước được trang bị máy tính phục vụ công việc tại cấp tỉnh đạt 98%, cấp huyện đạt 91%, cấp xã đạt 88%. Mạng Truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước đã được triển khai tại 63 điểm; mạng WAN tỉnh Hòa Bình đã được triển khai, kết nối tại 33 điểm trên cơ sở mạng truyền số liệu chuyên dùng.
Ngoài ra, một số sở, ngành (Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh) có Trung tâm dữ liệu nhỏ với từ 3-10 máy chủ để cài đặt các phầm mềm, cơ sở dữ liệu (CSDL) chuyên ngành.
Về nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh (LGSP): Đã kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP), bảo đảm việc gửi nhận văn bản điện tử liên thông 4 cấp. Ngoài ra, còn bảo đảm kết nối, liên thông các phần mềm ứng dụng dùng chung, các phần mềm chuyên ngành trên địa bàn tỉnh, chia sẻ, khai thác hiệu quả các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành trong cơ quan nhà nước, phục vụ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh được xây dựng đáp ứng các chức năng, yêu cầu, nghiệp vụ trong công tác tiếp nhận, giải quyết hồ sơ hành chính theo quy định tại Thông tư số 01/2018/TT-VPCP ngày 23/11/2018 của Văn phòng Chính phủ; hiện được triển khai sử dụng tại 100% các cơ quan nhà nước tại 3 cấp tỉnh, huyện, xã để thực hiện việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông.
Ông Nguyễn Văn Toàn cho biết thêm, trung bình hằng năm, tỉnh đã thực hiện tiếp nhận và giải quyết trên 200.000 hồ sơ thủ tục hành chính trên hệ thống, góp phần làm minh bạch, công khai các thủ tục và trạng thái xử lý hồ sơ hành chính, tăng hiệu quả làm việc và chất lượng phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp, tiết kiệm thời gian, chi phí cho xã hội.
Phần mềm quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp đã được triển khai tới 100% cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã và kết nối liên thông với Trục liên thông văn bản quốc gia, hệ thống văn bản điện tử của khối các cơ quan Đảng để phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử 4 cấp giữa các cơ quan Đảng, chính quyền, tạo ra một bước tiến lớn trong công tác quản lý, điều hành và xử lý công việc, góp phần nâng cao hiệu quả công việc, tiết kiệm thời gian, tăng cường trao đổi văn bản điện tử, giảm chi phí giấy tờ, tài liệu... Tỷ lệ văn bản trao đổi giữa các cơ quan, đơn vị hoàn toàn dưới dạng điện tử đạt trên 97%... Hiện nay, phần mềm đang tiếp tục được nâng cấp, bổ sung thêm phiên bản di động (mobile) để bảo đảm thuận lợi trong công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp chính quyền tỉnh Hòa Bình.
Triển khai Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Hoà Bình phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ cấp 847 chữ ký số cho tổ chức và 2.782 chữ ký số cá nhân thuộc các các cơ quan nhà nước (bao gồm cả đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập). Kết quả, 100% các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố đã sử dụng chữ ký số chuyên dùng của tổ chức và 100% lãnh đạo cơ quan, đơn vị sử dụng chữ ký số cá nhân để trao đổi văn bản điện tử trên môi trường mạng. Chữ ký số đã được tích hợp vào các hệ thống: Phần mềm văn phòng điện tử, phần mềm một cửa điện tử để thuận tiện trong quá trình trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước tỉnh Hòa Bình.
Về hệ thống thư điện tử công vụ, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Hoà Bình đã cấp hơn 13.000 địa chỉ thư điện tử (địa chỉ http://mai.hoabinh.gov.vn), trong đó 100% cán bộ, công chức, viên chức từ cấp tỉnh đến cấp xã được cấp địa chỉ thư điện tử phục vụ cho việc trao đổi thông tin, văn bản. Tỉ lệ trung bình cán bộ, công chức thường xuyên sử dụng thư điện tử trong công việc tại các cơ quan đạt trên 50%.
Về hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh, đã xây dựng và triển khai chính thức bắt đầu từ tháng 1/2021 để phục vụ cho các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh thực hiện chế độ báo cáo định kỳ theo quy định tại Quyết định số 12/2019/QĐ- UBND ngày 30/5/2019 của UBND tỉnh. Đến nay, hệ thống của tỉnh đã được kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ và Trung tâm thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để cung cấp các thông tin, dữ liệu phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo yêu cầu của Văn phòng Chính phủ.
Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến tỉnh Hòa Bình được đầu tư triển khai từ năm 2010 với 11 điểm cầu kết nối từ UBND tỉnh tới 10 huyện, thành phố phục vụ các cuộc họp của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh với các địa phương. Ngoài ra, hiện đã có 9/10 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã chủ động đầu tư, triển khai hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến từ cấp huyện tới cấp xã, góp phần mang lại hiệu quả trong việc tổ chức các cuộc họp, tiết kiệm thời gian đi lại, kinh phí văn phòng phẩm.
Việc ứng dụng CNTT phục vụ xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính phủ số trong các cơ quan đảng, nhà nước đã có tiến triển và đạt được một số kết quả khả quan so với kế hoạch đề ra. Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố đã quan tâm đầu tư và đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý, hiện đại hóa nền hành chính, tạo điều kiện quan trọng để Hòa Bình có chỉ số đánh giá mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT (ICT index), đạt mức trung bình của cả nước.
Ngoài ra, hạ tầng viễn thông được triển khai đồng bộ, hiện đại, cơ bản đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số; hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin của các đơn vị đã được đầu tư và phát triển theo đúng định hướng và quy hoạch; chú trọng tăng cường số lượng và chất lượng nguồn lực CNTT để triển khai các ứng dụng CNTT phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, chuyên môn nghiệp vụ trong cơ quan nhà nước và quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Toàn khẳng định, việc ứng dụng CNTT đã được tỉnh Hoà Bình đặc biệt quan tâm, góp phần thay đổi phong cách làm việc của các cấp lãnh đạo, cán bộ, công chức, doanh nghiệp, bảo đảm khoa học, nhanh chóng, chính xác, văn minh, hiện đại; nâng cao hiệu quả công việc và chất lượng phục vụ tổ chức, doanh nghiệp, nhân dân của các cơ quan nhà nước.
Phòng họp không giấy
Vào tháng 8 vừa qua, cuộc họp Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy Hoà Bình theo hình thức "phòng họp không giấy" đã thành công, đáp ứng yêu cầu đề ra là giảm văn bản giấy, tiết kiệm chi phí, rút ngắn thời gian họp, nâng cao chất lượng thảo luận, giúp lãnh đạo tỉnh đưa ra các quyết định kịp thời, nhanh chóng, chính xác.
Mô hình này đã góp phần cải cách hành chính, hướng đến xây dựng chính quyền điện tử, phù hợp với xu thế hội nhập và đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.
Cuộc họp BTV Tỉnh ủy bàn nhiều nội dung quan trọng liên quan đến phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Các câu hỏi, ý kiến của đại biểu được tổng hợp để thảo luận trong cuộc họp và chuẩn bị dự thảo kết luận. Trong cuộc họp, đại biểu có thể truy cập kho tài liệu bao gồm: Tài liệu chính, tài liệu tham khảo, cá nhân, tài liệu liên kết bên ngoài kết hợp với các công cụ tiện lợi như ghi chú, đánh dấu trực tiếp trên tài liệu, giúp việc tra cứu nhanh, chính xác.
Việc chuyển phương thức làm việc từ văn bản giấy sang văn bản điện tử giúp các đại biểu có thể truy cập tức thời nhiều tài liệu liên quan đến nội dung họp; tiết kiệm thời gian, chi phí cho văn phòng phẩm, đặc biệt, tránh được những sai sót trong sắp xếp tài liệu. Đa số đại biểu dự họp đều hài lòng với cách họp "không giấy tờ” vì họ có nhiều thời gian hơn để nghiên cứu tài liệu nên chất lượng thảo luận được nâng lên… Qua đó, hiệu quả của cuộc họp đáp ứng yêu cầu đề ra.
Tích cực cải cách chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI)
Cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Hòa Bình nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư cũng luôn được các cấp lãnh đạo tỉnh Hòa Bình quan tâm, chỉ đạo thực hiện trong những năm qua. Đặc biệt, tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đặt ra mục tiêu: “Tập trung cải thiện chỉ số xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, phấn đấu giai đoạn 2021-2025, mỗi năm tăng 3 bậc; thu hút các dự án trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 80.000 tỷ đồng và khoảng 01 tỷ USD vốn FDI”.
Để đạt được mục tiêu này, ông Nguyễn Văn Toàn thông tin, tỉnh Hòa Bình đang xây dựng đề án “Nâng cao hiệu quả công tác thu hút đầu tư vào tỉnh Hòa Bình đến năm 2025”, trong đó định hướng thu hút đầu tư các ngành, lĩnh vực cụ thể, phân công nhiệm vụ cho từng cơ quan để thực hiện Đề án.
Hằng năm, UBND tỉnh đều ban hành Kế hoạch cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh. Năm 2021, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 121/QĐ-UBND ngày 19/01/2021 về Kế hoạch tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Hòa Bình năm 2021; phân công cụ thể các cơ quan thực hiện nhiệm vụ cải thiện từng chỉ số thành phần của PCI (Công văn số 890/UBND-NNTN ngày 07/6/2021 của UBND tỉnh về việc thực hiện chi tiết các nội dung của 10 chỉ số thành phần PCI); cắt giảm 30% thời gian giải quyết của 872 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh Hòa Bình (697 thủ tục cấp tỉnh, 133 thủ tục cấp huyện, 42 thủ tục cấp xã (Quyết định số 1688/QĐ-UBND ngày 11/8/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phê duyệt Danh mục thủ tục hành chính cắt giảm 30% thời gian giải quyết so với quy định hiện hành thuộc thẩm quyền giải quyết trên địa bàn tỉnh Hòa Bình); thường xuyên tổ chức gặp mặt, đối thoại với các doanh nghiệp, nhà đầu tư có phát sinh thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh để kịp thời giải quyết, vướng mắc của nhà đầu tư, đặc biệt là hỗ trợ kịp thời các doanh nghiệp và người dân bị tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19; hỗ trợ tốt các doanh nghiệp, hợp tác xã xác lập quyền sở hữu công nghiệp theo quy định tại Quyết định 01/2018/QĐ-UBND ngày 11/01/2018 của UBND tỉnh.
Ngoài ra, ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của cơ quan nhà nước luôn được quan tâm, trong đó tỉnh Hòa Bình đã cung cấp được 590 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 912 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 98,72% người dân và doanh nghiệp đánh giá thái độ của công chức, viên chức tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh là lịch sự, thân thiện...
Với những kết quả đạt được nêu trên, môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh Hòa Bình đã từng bước được cải thiện, năng lực cạnh tranh PCI tỉnh Hòa Bình năm 2020 đã cải thiện được 3 bậc so với năm 2019, thực hiện đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hòa Bình.