The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Đồng Nai nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh

Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) cấp tỉnh năm 2019, Đồng Nai xếp hạng 23, tăng 3 bậc so với năm 2018. Đó là nỗ lực của tỉnh trong việc chỉ đạo, điều hành, tạo môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh thuận lợi để doanh nghiệp (DN) hoạt động.
Doanh nghiệp, người dân đến Cục Thuế Đồng Nai trao đổi, kê khai thông tin về thuế. Ảnh: K.MINH
Doanh nghiệp, người dân đến Cục Thuế Đồng Nai trao đổi, kê khai thông tin về thuế. Ảnh: K.MINH
Sau nhiều năm cố gắng, Đồng Nai đã vào nhóm 10 tỉnh, thành đứng đầu trong nhóm khá về PCI cấp tỉnh với 65,82 điểm. PCI năm 2019, có số điểm chênh lệch nhau không cao, Quảng Ninh đứng đầu cả nước với 73,4 điểm và tỉnh Lai Châu đứng cuối bảng xếp hạng với 59,95 điểm. Trong đó, có những thứ hạng trước và sau chỉ cách nhau 0,06 điểm.
* Nhiều chỉ số tăng điểm
Báo cáo PCI năm 2019, dựa trên dữ liệu thu thập, khảo sát DN trên cả nước. Đơn vị chủ trì là VCCI phối hợp với một số cơ quan đơn vị trong và ngoài nước để thực hiện. Chỉ số PCI được xây dựng để đánh giá môi trường kinh doanh, chất lượng điều hành kinh tế và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành trong cả nước. Năm 2019, có khoảng 8.773 DN ở các tỉnh, thành tham gia phản hồi điều tra của VCCI. Trong số đó, có khoảng 70% là lãnh đạo các DN trả lời điều tra.
Sau mỗi năm, chỉ số PCI được công bố, UBND tỉnh đều có hội nghị làm việc với các sở, ngành, địa phương yêu cầu tập trung cải thiện những chỉ tiêu bị đánh giá thấp. Đồng thời yêu cầu các sở, ngành, địa phương đưa ra các giải pháp nhằm cải thiện công tác điều hành, môi trường kinh doanh để nâng cao năng lực cạnh tranh trên địa bàn tỉnh. Các cố gắng của tỉnh được thể hiện qua việc chỉ số PCI trong 5 năm qua đã tăng được 14 bậc. Cụ thể năm 2015, Đồng Nai xếp hạng 37 thì năm 2019 đã tăng lên hạng 23.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường nhiều lần nhắc nhở tại các cuộc họp giao ban kinh tế hằng tháng, kết quả chỉ số PCI hằng năm là thước đo để các sở, ngành, địa phương trong tỉnh xem xét lại các lĩnh vực mình điều hành để có biện pháp cải thiện tốt hơn. Mục tiêu là để tạo ra một môi trường đầu tư, hoạt động kinh doanh thuận lợi để thu hút đầu tư trong nước, nước ngoài vào các lĩnh vực tỉnh đang mời gọi và để các DN trên địa bàn Đồng Nai hoạt động hiệu quả, góp phần cho tăng trưởng, phát triển kinh tế của tỉnh.
Sản xuất tại Công ty TNHH Công nghiệp Boss ở Khu công nghiệp Sông Mây (H.Trảng Bom). Ảnh: Hương Giang
Sản xuất tại Công ty TNHH Công nghiệp Boss ở Khu công nghiệp Sông Mây (H.Trảng Bom). Ảnh: Hương Giang
Trong cơ cấu chỉ số PCI của tỉnh năm 2019, có 7/10 chỉ số tăng điểm là: tính minh bạch, chi phí thời gian, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động của chính quyền tỉnh, dịch vụ hỗ trợ DN, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự. Trong đó, những chỉ số được DN trên địa bàn tỉnh đánh giá cao vì có nhiều chuyển biến tích cực là chi phí thời gian. Kết quả này là do tỉnh đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính qua mạng, giúp DN giảm được nhiều thời gian trong thực hiện các hồ sơ thủ tục.
Đơn cử theo điều tra của VCCI, lĩnh vực thuế năm 2019, Đồng Nai là một trong 5 tỉnh, thành tiến hành kiểm toán thuế với DN nhiều nhất, nhưng các DN lại đánh giá tích cực về quá trình này và cho rằng việc xử phạt công bằng. Trong khi nhiều tỉnh, thành kiểm toán thuế với DN ít hơn nhiều nhưng lại có nhiều DN phàn nàn việc xử phạt thuế thiếu thỏa đáng.
Ông Nguyễn Tấn Lợi, Phó cục trưởng Cục Thuế Đồng Nai cho biết: “Ngành Thuế Đồng Nai liên tục có những chính sách cải cách hành chính, thực hiện dịch vụ công trực tuyến để giảm thời gian, chi phí cho DN. Khi ngành thuế phát hiện có những rủi ro, vi phạm sẽ tiến hành kiểm tra tại cơ quan thuế, DN sẽ thoải mái hơn và ít bị ảnh hưởng so với kiểm tra trực tiếp tại DN. Các vi phạm của DN về thuế được xử lý theo đúng quy định của pháp luật nên ít bị phàn nàn”. Cũng theo ông Lợi, ngành Thuế Đồng Nai thường xuyên tổ chức hội nghị đối thoại trực tiếp với DN trong nước, nước ngoài nên mọi vướng mắc được tháo gỡ kịp thời và tạo mối quan hệ thân thiện hơn giữa cơ quan thuế và DN.
* Sẽ cải thiện những chỉ số giảm điểm
Năm 2019, PCI của Đồng Nai có 3 chỉ số giảm điểm là: gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai và chi phí không chính thức. Năm 2019, chỉ số gia nhập thị trường của Đồng Nai đã giảm gần 1 điểm so với năm 2018. Nguyên nhân là do DN gặp khó khăn trong tìm kiếm khách hàng, tìm kiếm đối tác kinh doanh, biến động thị trường...
Chỉ số tiếp cận đất đai của tỉnh 3 năm liền (2017-2019) bị giảm điểm là vì mấy năm gần đây, các khu công nghiệp của Đồng Nai đã gần lấp đầy, tỷ lệ đất cho DN thứ cấp thuê không còn nhiều. Bên cạnh đó, giá đất trong các khu công nghiệp, giá đất bên ngoài tại Đồng Nai khá mắc nên các DN rất khó khăn trong thuê đất đai để có mặt bằng sản xuất, kinh doanh.
Ông Châu Minh Nguyện, Phó chủ tịch Hiệp hội DN Đồng Nai chia sẻ: “Hầu hết, DN nhỏ và vừa trong nước đang thiếu mặt bằng để làm nhà xưởng nên ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất. Thuê đất trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh giá rất cao nên rất ít DN nhỏ đủ khả năng”. Đây cũng là một trong những vấn đề khó khăn của DN nhỏ và vừa Đồng Nai từ nhiều năm nay chưa tháo gỡ được. Tuy tỉnh đã tiến hành quy hoạch 27 cụm công nghiệp tại các huyện, thành phố nhằm hỗ trợ DN nhỏ và vừa trong nước di dời vào, song đến nay ít cụm công nghiệp hoàn thành được hạ tầng. Nguyên nhân do giá đất tăng cao, việc bồi thường giải phóng mặt bằng gặp nhiều trở ngại, nhà đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp tính toán thấy đầu tư không hiệu quả nên chưa mặn mà rót vốn, đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp.
Đồ họa thể hiện kết quả chỉ số PCI của Đồng Nai trong vòng 5 năm qua (2015-2019). Nguồn:  Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) (Thông tin: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân)
Đồ họa thể hiện kết quả chỉ số PCI của Đồng Nai trong vòng 5 năm qua (2015-2019). Nguồn: Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) (Thông tin: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân)
Ông Cao Tiến Sỹ, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai cho biết: “Tỉnh đã có kế hoạch mở rộng và đầu tư mới một số khu công nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu của các DN trong khu công nghiệp muốn mở rộng sản xuất và DN đầu tư mới. Trong những năm tới, khi nhiều đường giao thông cấp vùng, quốc gia được xây dựng và đưa vào khai thác, Đồng Nai sẽ là nơi thu hút các DN đầu tư nước ngoài, DN trong nước đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp”.
Thời gian qua, tỉnh đã nỗ lực trong việc cải thiện các chỉ số PCI nhằm tạo ra một môi trường đầu tư tốt, thu hút nguồn vốn của DN trong nước, nước ngoài đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, hạ tầng kỹ thuật để thúc đầy kinh tế - xã hội phát triển.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh, tỉnh luôn đồng hành cùng DN, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để DN hoạt động hiệu quả. Trên các lĩnh vực, tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hướng tới xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước nhằm giảm thời gian, chi phí đi lại cho người dân và DN. Bên cạnh đó, hạn chế được các trường hợp cán bộ, công chức nhà nước nhũng nhiễu, gây khó dễ cho DN và giảm bớt các "chi phí không chính thức".