The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Động lực cải cách từ cơ sở

Đã hơn 16 năm VCCI tiến hành hoạt động công bố Chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (gọi tắt là PCI) phối hợp với USAID.
Đây là bộ chỉ số đánh giá chất lượng điều hành cấp tỉnh dưới góc nhìn của doanh nghiệp tư nhân. PCI không chỉ là nguồn thông tin quan trọng cho các nhà đầu tư tham khảo khi lựa chọn địa điểm đầu tư, bộ công cụ này chuyển tải sự hài lòng của doanh nghiệp dân doanh Việt Nam về thủ tục hành chính, sự vận hành của bộ máy chính quyền từ trên xuống dưới. Đây là thông tin, tín hiệu, là động lực để thúc đẩy những thay đổi và cải cách từ cấp cơ sở tại Việt nam.
Qua nhiều năm, PCI chuyển tải một thông điệp quan trọng từ thực tiễn phát triển, đó là chất lượng điều hành của bộ máy chính quyền rất quan trọng, cần được chú ý chứ không chỉ những yếu tố sẵn có khác như vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng hay quy mô thị trường…. Những cái tên được nhắc đến nhiều những năm qua như Quảng Ninh, Đồng Tháp, Bình Dương, Đà Nẵng, Hải Phòng… là những địa phương mà các doanh nghiệp tư nhân trong nước hài lòng, cho dù một số địa phương có vị trí địa lý chưa thuận lợi hay cơ sở hạ tầng chưa phát triển.
Giám sát của doanh nghiệp tư nhân với chính quyền tỉnh
Việc VCCI và USAID công bố PCI thể hiện một bước chuyển tư duy quan trọng. Chính các doanh nghiệp, những người đang thụ hưởng các dịch vụ hành chính công, có quyền đánh giá về chất lượng dịch vụ hành chính mà cơ quan nhà nước cung cấp, trước hết với tư cách là những người đóng thuế. Nếu như trước đây, thời kỳ đầu thực hiện, nhóm PCI nhận được nhiều câu hỏi như “Doanh nghiệp có tư cách gì mà đánh giá?” “Doanh nghiệp tư nhân đâu có trình độ, biết gì đâu mà đánh giá?” thì hiện nay các địa phương đã tiếp nhận bộ chỉ số này với thái độ cầu thị hơn, cởi mở hơn và tích cực hơn. Bên cạnh bộ chỉ số PCI được xem là “tiếng nói” của doanh nghiệp hiện đã có bộ chỉ số PAPI do UNDP thực hiện, thể hiện “tiếng nói” của người dân.
Việt Nam có bộ máy hành chính gồm 63 tỉnh, thành phố, từ thời điểm Luật Đầu tư năm 2005, các tỉnh, thành phố được phân cấp quyền hạn lớn hơn trong cấp phép và quản lý các dự án đầu tư. Hiện nay, chính quyền cấp tỉnh ở Việt Nam có nhiều không gian chính sách hơn và quyền tự chủ hơn để đưa ra và thực hiện các chính sách kinh tế của mình, trong đó có chính sách phát triển doanh nghiệp. Cùng một khung khổ pháp lý chung của Trung ương nhưng rõ ràng địa phương nào năng động hơn thì sẽ thúc đẩy doanh nghiệp phát triển hơn, tạo ra nhiều việc làm hơn.
Đa số các lãnh đạo địa phương vẫn cho rằng môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp, nhà đầu tư chỉ là sự thuận tiện của vị trí địa lý, sự phát triển của cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực tốt, gần các thị trường lớn. Đã có thời kỳ, mọi nỗ lực chủ yếu dành cho phát triển các khu công nghiệp, đổ tiền xây dựng hạ tầng, trong khi chất lượng điều hành, sự thuận lợi của thủ tục hành chính, một yếu tố tác động quan trọng đến sự phát triển của doanh nghiệp, lại chưa được chú ý đúng mức.
Trong bối cảnh phân cấp mạnh mẽ, chính quyền tỉnh có thẩm quyền ngày càng lớn nhưng cơ chế giám sát đối với bộ máy còn rất hạn chế. Các cơ quan dân cử, cơ quan báo chí địa phương, các tổ chức xã hội hoạt động tại cấp tỉnh chưa phát huy mạnh mẽ vai trò giám sát của mình. Thiếu vắng cơ chế tiếp nhận những phản hồi về chất lượng dịch vụ hành chính và dịch vụ hỗ trợ từ doanh nghiệp và người dân cũng là một nguyên nhân quan trọng khiến chất lượng dịch vụ thấp. Đó là chưa tính đến vị thế không bình đẳng. Cách đây 16 năm, mức độ chú ý của chính quyền địa phương dường như chỉ dành cho các tập đoàn nhà nước có quy mô lớn hay các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Cộng đồng doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa trong nước hầu như chưa được quan tâm.
Sức ép cải thiện chất lượng điều hành
Qua “kênh” chuyển tải độc lập như PCI, các doanh nghiệp có thể dễ dàng phản ánh những vướng mắc mà doanh nghiệp gặp phải trong quá trình kinh doanh tại địa phương, vượt qua được những e ngại, tế nhị khi phản ánh trực tiếp khó khăn của mình với các cơ quan tại chính quyền địa phương.
Lãnh đạo tỉnh có được sự phản ánh khách quan từ cộng đồng doanh nghiệp để nhận rõ được những điểm mạnh và điểm yếu trong môi trường kinh doanh của tỉnh, có sức ép và động lực để tiến hành những cải cách, đôi khi khó khăn. Nhiều lãnh đạo tỉnh đã dùng PCI như là nguồn thông tin độc lập bên ngoài, thúc đẩy bộ máy của mình vận hành, không vừa lòng với những nhìn nhận như “ngành, lĩnh vực chúng tôi vẫn rất tốt”, “vẫn đang có nhiều cải thiện”. Những sở, ngành của tỉnh bị phản ánh thiếu tích cực qua kết quả phân tích chỉ số PCI thường chịu những sức ép lớn phải thay đổi. Tương tự như vậy, các cơ quan dân cử như Quốc hội, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có thể sử dụng những thông tin điều tra PCI cho các hoạt động giám sát và chất vấn của mình, một nguồn thông tin độc lập và thường gai góc hơn thông tin từ UBND và các sở, ngành cung cấp.
Việc công bố PCI thời gian qua đã thúc đẩy quá trình học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm tốt lẫn nhau giữa các địa phương trong cả nước. Những tỉnh được công bố có PCI cao là điểm đến học hỏi của nhiều tỉnh, thành phố khác trong cả nước. Những thành công đã được chứng minh trên thực tiễn rõ ràng có sức thuyết phục và lan toả hơn với các tỉnh, thành phố của Việt Nam. Nhờ quá trình này, các kinh nghiệm xây dựng mô hình “một cửa” trong giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp của Quảng Ninh, Bình Dương, Đà Nẵng trước đây; thực tiễn cải cách quy trình thủ tục đầu tư, đất đai và xây dựng cho nhà đầu tư của Bắc Ninh, Bình Định; mô hình “cafe doanh nhân” của Đồng Tháp; mô hình trung tâm hành chính công tập trung của Quảng Ninh, Bình Dương; xây dựng và công bố chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh các sở, ngành địa phương của Quảng Ninh, Tuyên Quang… đã được nhiều địa phương khác trong cả nước học tập và vận dụng.
Thúc đẩy quá trình cải cách môi trường kinh doanh
Trên phương diện quốc gia, điều tra PCI cung cấp các số liệu định lượng, tổng quan và định kỳ hàng năm để đánh giá về chất lượng thực hiện chính sách. Tiếp tục hoàn thiện và xây dựng chính sách là một yêu cầu quan trọng nhưng ở Việt Nam tăng cường thực thi chính sách mới là điểm cần ưu tiên. Chính sách có nội dung tốt mà không được thực thi tốt thì không có nhiều ý nghĩa. Nhưng để đánh giá thực thi tốt thì cần phải có những công cụ định lượng và độc lập như PCI và các chỉ số đánh giá thực thi.
Thời gian qua Chính phủ, các bộ ngành đã sử dụng PCI và những chỉ số tương tự là kênh đánh giá quan trọng về tác động thực tế của cải cách thủ tục hành chính, của tác động hội nhập. Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thuế đã thường xuyên sử dụng điều tra độc lập do VCCI tiến hành để đánh giá về sự hài lòng của doanh nghiệp xuất nhập khẩu và người nộp thuế về thủ tục hành chính. Bộ Công thương đã hợp tác với nhóm PCI để đánh giá về mức độ hưởng lợi và khai thác của doanh nghiệp từ các cam kết hội nhập. Bộ Xây dựng đã hợp tác với điều tra PCI để đánh giá về sự thuận lợi thủ tục xây dựng trên thực tế. Đây là những bước chuyển tiếp theo quan trọng của một Chính phủ lắng nghe, thấu hiểu và hành động.
Qua hành trình 16 năm qua có thể thấy rằng qua PCI, mong muốn, “tiếng nói” của các doanh nghiệp đang kinh doanh tại địa phương và sức ép từ chỉ đạo của Trung ương xuống như hai bàn tay cũng vỗ nên kêu, sẽ thúc đẩy quá trình cải cách môi trường kinh doanh cấp tỉnh ở Việt Nam nhanh hơn nữa.