The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Cà Mau: Nỗ lực cải thiện chỉ số PCI

Theo kết quả xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019, Cà Mau xếp thứ 45/63 tỉnh, thành trong cả nước (tăng 4 hạng so với năm 2018) và xếp thứ 9/13 so với các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL (tăng 4 bậc). Với kết quả đó, đây là năm thứ 4 liên tiếp tỉnh Cà Mau có kết quả PCI được cải thiện và nâng cao. Trong đó, phải kể đến sự đóng góp của ngành thuế, các chỉ tiêu thuộc các chỉ số thành phần mà ngành phụ trách thực hiện đạt kết quả khá tích cực.
Được phân công thực hiện đối với 3 chỉ tiêu trong 3 chỉ số thành phần PCI của tỉnh, Cục Thuế tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch hành động cụ thể để cải thiện và nâng cao PCI đối với từng chỉ tiêu thuộc chỉ số thành phần ngành thuế phụ trách. Theo đó, trong 3 chỉ tiêu thuộc 3 chỉ số thành phần, có 2 chỉ tiêu được đánh giá chuyển biến tích cực.
Chỉ tiêu ngành thuế được phân công chịu trách nhiệm thực hiện là “Doanh nghiệp FDI có đặc quyền trong miễn/giảm thuế thu nhập doanh nghiệp". Đối với chỉ tiêu này, số % đồng ý càng thấp càng tốt. Năm 2019 ngành thuế được đánh giá 16% đồng ý, thấp hơn điểm trung vị cả nước (18%) cho nên chỉ tiêu này vẫn được đánh giá chuyển biến tích cực.
Đối với chỉ tiêu “Số giờ làm việc với thanh tra, kiểm tra thuế” càng thấp càng tốt. Theo đó, năm 2019 chỉ tiêu này được đánh giá là 16 giờ, thấp hơn so với điểm trung vị cả nước (19,5 giờ) nên được đánh giá là chỉ tiêu có chuyển biến tích cực.
Bên cạnh đó, chỉ tiêu “Thoả thuận về các khoản thuế phải nộp với cán bộ thuế là công việc quan trọng trong kinh doanh”, % đồng ý càng thấp càng tốt. Năm 2019, chỉ tiêu này có 51% đồng ý, cao hơn so với trung vị cả nước (47%). Do vậy, chỉ tiêu này được đánh giá chuyển biến tiêu cực.
Theo Phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh Nguyễn Văn Bé, để được doanh nghiệp đánh giá cao, góp phần cải thiện và nâng cao PCI của tỉnh, ngành thuế đã chủ động xây dựng, đề ra các giải pháp trong năm 2020. Theo đó, tiếp tục nâng cao chất lượng cải cách, kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC), đảm bảo giải quyết kịp thời và trả kết quả đúng hạn, trước hạn theo thời gian cắt giảm từng TTHC cho người nộp thuế. Cơ quan thuế, công chức thuế tạo sự thân thiện với người nộp thuế trong quá trình giải quyết TTHC thuế.
Đặc biệt, chủ động rà soát, đánh giá để tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế. Tăng cường, đẩy mạnh ứng dụng giao dịch điện tử trong quản lý thuế, thường xuyên tuyên truyền hỗ trợ doanh nghiệp trao đổi thông tin. Thực hiện các TTHC thuế bằng phương thức điện tử như qua hệ thống eTax, Trang thông tin điện tử của Cục Thuế, Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, Cổng dịch vụ công quốc gia... Đồng thời, áp dụng công nghệ thông tin trong công tác thanh tra, kiểm tra thuế để giảm số giờ thanh, kiểm tra thuế tại doanh nghiệp.
Ông Bé nhấn mạnh: “Cục Thuế sẽ kiểm tra công vụ đột xuất đối với các phòng, chi cục thuế khu vực. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát chặt chẽ công chức trong thực thi công vụ, thực hiện tốt giờ giấc làm việc; đôn đốc, nhắc nhở công chức, viên chức thuế nghiêm túc thực hiện văn hoá công sở, hành vi công vụ, nhất là đối với công chức, viên chức có liên hệ làm việc trực tiếp với người nộp thuế, góp phần cải thiện chỉ số PCI của ngành cũng như của tỉnh”./.